15:18 - 08/01/2025

Nội dung cụ thể trong chương trình giáo dục môn Tiếng Việt của học sinh lớp 1 theo Thông tư 32 ra sao?

Thông tư 32 quy định những nội dung cụ thể nào trong chương trình giáo dục môn Tiếng Việt của học sinh lớp 1?

Nội dung chính


    Nội dung cụ thể trong chương trình giáo dục môn Tiếng Việt của học sinh lớp 1 theo Thông tư 32 ra sao?

    Căn cứ tiểu mục 2 Mục V Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, những nội dung cụ thể trong chương trình giáo dục môn Tiếng Việt của học sinh lớp 1 được quy định như sau:

    Yêu cầu cần đạt

    Nội dung

    ĐỌC

    KĨ THUẬT ĐỌC

    - Ngồi (hoặc đứng) thẳng lưng; sách, vở mở rộng trên mặt bàn (hoặc trên hai tay). Giữ khoảng cách giữa mắt với sách, vở khoảng 25cm.

    - Đọc đúng âm, vần, tiếng, từ, câu (có thể đọc chưa thật đúng một số tiếng có vần khó, ít dùng).

    - Đọc đúng và rõ ràng đoạn văn hoặc văn bản ngắn. Tốc độ đọc khoảng 40 - 60 tiếng trong 1 phút. Biết ngắt hơi ở chỗ có dấu phẩy, dấu kết thúc câu hay ở chỗ kết thúc dòng thơ.

    - Bước đầu biết đọc thầm.

    - Nhận biết được bìa sách và tên sách.

    ĐỌC HIỂU

    Văn bản văn học

    Đọc hiểu nội dung

    - Hỏi và trả lời được những câu hỏi đơn giản liên quan đến các chi tiết được thể hiện tường minh.

    - Trả lời được các câu hỏi đơn giản về nội dung cơ bản của văn bản dựa vào gợi ý, hỗ trợ.

    Đọc hiểu hình thức

    - Nhận biết được hình dáng, hành động của nhân vật thể hiện qua một số từ ngữ trong câu chuyện dựa vào gợi ý của giáo viên.

    - Nhận biết được lời nhân vật trong truyện dựa vào gợi ý của giáo viên.

    Liên hệ, so sánh, kết nối

    - Liên hệ được tranh minh hoạ với các chi tiết trong văn bản.

    - Nêu được nhân vật yêu thích nhất và bước đầu biết giải thích vì sao.

    Đọc mở rộng

    - Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 10 văn bản văn học có thể loại và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

    - Thuộc lòng 4 - 5 đoạn thơ hoặc bài thơ đã học, mỗi đoạn thơ, bài thơ có độ dài khoảng 30 - 40 chữ.

    Văn bản thông tin

    Đọc hiểu nội dung

    - Hỏi và trả lời được những câu hỏi đơn giản về các chi tiết nổi bật trong văn bản.

    - Trả lời được câu hỏi: “Văn bản này viết về điều gì?” với sự gợi ý, hỗ trợ.

    Đọc hiểu hình thức

    - Nhận biết được trình tự của các sự việc trong văn bản.

    - Hiểu nghĩa của một số tín hiệu đơn giản, gần gũi với học sinh.

    Đọc mở rộng

    Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 5 văn bản thông tin có kiểu văn bản và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

    KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT

    1.1. Âm, vần, thanh; chữ và dấu thanh

    1.2. Quy tắc chính tả phân biệt: c và k, g và gh, ng và ngh

    1.3. Quy tắc viết hoa: viết hoa chữ cái đầu câu, viết hoa tên riêng

    2. Vốn từ theo chủ điểm: Từ chỉ sự vật, hoạt động, đặc điểm gần gũi

    3. Công dụng của dấu chấm, dấu chấm hỏi: đánh dấu kết thúc câu

    4.1. Từ xưng hô thông dụng khi giao tiếp ở nhà và ở trường

    4.2. Một số nghi thức giao tiếp thông dụng ở nhà và ở trường: chào hỏi, giới thiệu, cảm ơn, xin lỗi, xin phép

    5. Thông tin bằng hình ảnh (phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ)

    KIẾN THỨC VĂN HỌC

    1. Câu chuyện, bài thơ

    2. Nhân vật trong truyện

    NGỮ LIỆU

    1.1. Văn bản văn học

    - Cổ tích, ngụ ngôn, truyện ngắn, truyện tranh, đoạn văn miêu tả

    - Đoạn thơ, bài thơ (gồm cả đồng dao) Độ dài của văn bản: truyện và đoạn văn miêu tả khoảng 90 - 130 chữ, thơ khoảng 50 - 70 chữ

    1.2. Văn bản thông tin: giới thiệu những sự vật, sự việc gần gũi với học sinh

    Độ dài của văn bản: khoảng 90 chữ

    2. Gợi ý chọn văn bản: xem danh mục gợi ý

    3. Các từ ngữ có ý nghĩa tích cực, phù hợp với học sinh lớp 1

    VIẾT

    KĨ THUẬT VIẾT

    - Biết ngồi viết đúng tư thế: ngồi thẳng lưng; hai chân đặt vuông góc với mặt đất; một tay úp đặt lên góc vở, một tay cầm bút; không tì ngực vào mép bàn; khoảng cách giữa mắt và vở khoảng 25cm; cầm bút bằng ba ngón tay (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa).

    - Viết đúng chữ viết thường, chữ số (từ 0 đến 9); biết viết chữ hoa.

    - Đặt dấu thanh đúng vị trí. Viết đúng quy tắc các tiếng mở đầu bằng các chữ c, k, g, gh, ng, ngh.

    - Viết đúng chính tả đoạn thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 30 - 35 chữ theo các hình thức nhìn - viết (tập chép), nghe - viết. Tốc độ viết khoảng 30 - 35 chữ trong 15 phút.

    VIẾT CÂU, ĐOẠN VĂN NGẮN

    Quy trình viết

    Bước đầu trả lời được những câu hỏi như: Viết về ai? Viết về cái gì, việc gì?

    Thực hành viết

    - Điền được phần thông tin còn trống, viết được câu trả lời, viết câu dưới tranh phù hợp với nội dung câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe.

    - Điền được vào phần thông tin còn trống, viết câu nói về hình dáng hoặc hoạt động của nhân vật dưới tranh trong câu chuyện đã học dựa trên gợi ý.

    - Điền được phần thông tin còn trống, viết câu trả lời hoặc viết lại câu đã nói để giới thiệu bản thân dựa trên gợi ý.


    NÓI VÀ NGHE

    Nói

    - Nói rõ ràng, thành câu. Biết nhìn vào người nghe khi nói.

    - Đặt được câu hỏi đơn giản và trả lời đúng vào nội dung câu hỏi.

    - Nói và đáp lại được lời chào hỏi, xin phép, cảm ơn, xin lỗi, phù hợp với đối tượng người nghe.

    - Biết giới thiệu ngắn về bản thân, gia đình, đồ vật yêu thích dựa trên gợi ý.

    - Kể lại được một đoạn hoặc cả câu chuyện đơn giản đã đọc, xem hoặc nghe (dựa vào các tranh minh hoạ và lời gợi ý dưới tranh).

    Nghe

    - Có thói quen và thái độ chú ý nghe người khác nói (nhìn vào người nói, có tư thế nghe phù hợp). Đặt một vài câu hỏi để hỏi lại những điều chưa rõ.

    - Nghe hiểu các thông báo, hướng dẫn, yêu cầu, nội quy trong lớp học.

    - Nghe một câu chuyện và trả lời được các câu hỏi: Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu?

    Nói nghe tương tác

    - Biết đưa tay xin phát biểu, chờ đến lượt được phát biểu.

    - Biết trao đổi trong nhóm để chia sẻ những ý nghĩ và thông tin đơn giản


    >> Xem Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT: Tải

    Nội dung cụ thể trong chương trình giáo dục môn Tiếng Việt của học sinh lớp 1 theo Thông tư 32 ra sao?

    Nội dung cụ thể trong chương trình giáo dục môn Tiếng Việt của học sinh lớp 1 theo Thông tư 32 ra sao? (Hình từ Internet)

    Có bao nhiêu loại hình Trường tiểu học?

    Căn cứ khoản 1 Điều 4 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, Trường tiểu học được tổ chức theo hai loại hình: công lập và tư thục.

    - Trường tiểu học công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu.

    - Trường tiểu học tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

    Ngoài ra, cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học: trung tâm học tập cộng đồng; lớp dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi học ở trường, lớp dành cho trẻ khuyết tật.

    Có bao nhiêu loại hình lớp tiểu học?

    Căn cứ khoản 2 Điều 4 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, lớp tiểu học trong trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt gồm 04 loại hình như sau:

    - Lớp tiểu học trong trường phổ thông có nhiều cấp học.

    - Lớp tiểu học trong trường phổ thông dân tộc bán trú.

    - Lớp tiểu học trong cơ sở giáo dục dành cho trẻ em khuyết tật.

    - Lớp tiểu học trong trường giáo dưỡng.

    226
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ