Những trường hợp nào sinh con không bị coi là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình của Đảng viên?
Nội dung chính
Những trường hợp nào Đảng viên sinh con không bị coi là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình?
Căn cứ vào Điều 2 Quy định 05-QĐ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về những trường hợp sinh con không bị coi là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình như sau:
- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỉ lệ nhỏ hơn hoặc bằng tỉ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.
- Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
- Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.
- Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):
+ Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ).
+ Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.
- Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.
- Sinh con thứ ba trở lên trước ngày 19/01/1989 (ngày có hiệu lực thi hành Quyết định số 162-HĐBT, ngày 18/10/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về một số chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình).
- Trường hợp sinh con thứ ba do mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người mẹ (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên).
Những trường hợp nào sinh con không bị coi là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình của Đảng viên?
Thời hiệu kỷ luật Đảng viên vi phạm quy định chính sách dân số là bao lâu?
Căn cứ vào Điều 4 Quy định 69/QĐ-TW năm 2022 quy định như sau:
Thời hiệu kỷ luật
1. Thời hiệu kỷ luật là thời hạn được quy định trong Quy định này mà khi hết thời hạn đó thì tổ chức đảng, đảng viên vi phạm không bị kỷ luật.
2. Thời hiệu kỷ luật được tính từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm đến khi tổ chức đảng có thẩm quyền kết luận vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật. Nếu tổ chức đảng hoặc đảng viên có hành vi vi phạm mới trong thời hạn được quy định tại Điểm a, b Khoản này thì thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.
a) Thời hiệu kỷ luật tổ chức đảng vi phạm như sau:
- 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách.
- 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo.
- Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với những vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật giải tán; vi phạm về chính trị nội bộ; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
b) Thời hiệu kỷ luật đảng viên vi phạm như sau:
- 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách.
- 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.
- Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khai trừ; vi phạm chính trị nội bộ; vi phạm quốc phòng, an ninh, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.
Như vậy, đối với hành vi vi phạm quy định chính sách dân số bị xử lý kỷ luật khiển trách thì thời hiệu xử lý kỷ luật là 5 năm, đối với hành vi vi phạm quy định chính sách dân số bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức thì thời hiệu xử lý kỷ luật là 10 năm. Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng thì không áp dụng thời hiệu kỷ luật.
Tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền kết nạp lại vào Đảng đối với Đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình là gì?
Căn cứ theo Điều 4 Quy định 05-QĐ/TW năm 2018 quy định tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền kết nạp lại vào Đảng đối với đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình như sau:
- Đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình chỉ được xem xét, kết nạp lại vào Đảng khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương và yêu cầu thực tế của công tác xây dựng Đảng của địa phương, đơn vị;
- Là người có uy tín trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, được cấp uỷ nơi công tác và nơi cư trú, các tổ chức đoàn thể mà mình là thành viên đánh giá cao về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, về ý thức trách nhiệm đối với nhân dân và phải có thời gian phấn đấu ít nhất là 24 tháng đối với trường hợp vi phạm sinh con thứ ba hoặc 36 tháng đối với trường hợp vi phạm sinh con thứ tư kể từ ngày bị đưa ra khỏi Đảng đến ngày chi bộ họp xét đề nghị kết nạp vào Đảng.
- Việc kết nạp lại đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình vào Đảng phải được ban thường vụ cấp uỷ trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi ban thường vụ cấp uỷ huyện (hoặc tương đương) quyết định kết nạp.