11:32 - 09/11/2024

Những trường hợp nào đương nhiên được xóa án tích?

Những trường hợp nào đương nhiên được xóa án tích? Cách tính thời hạn để xóa án tích được quy định như thế nào? Công dân Việt Nam có án tích ở nước ngoài có thể hiện trong lý lịch tư pháp tại Việt Nam không?

Nội dung chính

    Những trường hợp nào đương nhiên được xóa án tích?

    Căn cứ khoản 1 Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 quy định đương nhiên được xóa án tích:

    Đương nhiên được xóa án tích

    1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

    ...

    Theo đó, người bị kết án nếu không phải về các tội sau đây thì khi đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện theo quy định thì đương nhiên được xóa án tích:

    [1] Các tội xâm phạm an ninh Quốc gia

    - Tội phản bội Tổ quốc

    - Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

    - Tội gián điệp

    - Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ

    - Tội bạo loạn

    - Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân

    - Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

    - Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội

    - Tội phá hoại chính sách đoàn kết

    - Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

    - Tội phá rối an ninh

    - Tội chống phá cơ sở giam giữ

    - Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân

    - Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân

    [2] Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh

    - Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược

    - Tội chống loài người

    - Tội phạm chiến tranh

    - Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê

    - Tội làm lính đánh thuê

    Những trường hợp nào đương nhiên được xóa án tích? (Hình từ Internet)

    Cách tính thời hạn để xóa án tích được quy định như thế nào?

    Tại Điều 73 Bộ luật Hình sự 2015 quy định cách tính thời hạn để xóa án tích:

    - Thời hạn để xóa án tích căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.

    - Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.

    - Người bị kết án trong trường hợp phạm nhiều tội mà có tội thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, có tội thuộc trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án thì căn cứ vào thời hạn xoá án tích theo Toà án quyết định việc xóa án tích đối với người đó.

    - Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt.

    Công dân Việt Nam có án tích ở nước ngoài có thể hiện trong lý lịch tư pháp tại Việt Nam không?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định về đối tượng quản lý lý lịch tư pháp cụ thể như sau:

    Đối tượng quản lý lý lịch tư pháp

    1. Công dân Việt Nam bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Toà án Việt Nam, Toà án nước ngoài mà trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

    2. Người nước ngoài bị Toà án Việt Nam kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật.

    3. Công dân Việt Nam, người nước ngoài bị Toà án Việt Nam cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong quyết định tuyên bố phá sản đã có hiệu lực pháp luật.

    Như vậy, việc xác định công dân Việt Nam có án tích ở nước ngoài có thể hiện trong lý lịch tư pháp tại Việt Nam không, sẽ có 02 trường hợp như sau:

    - Nếu giữa hai nước có tồn tại Điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc có đi có lại thì trong lý lịch tư pháp của người đó sẽ thể hiện nội dung người này phạm tội và bị kết án tại nước ngoài.

    - Nếu giữa hai nước không tồn tại Điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, thì trong lý lịch tư pháp của người đó sẽ thể hiện nội dung không có án tích. Có nghĩa là việc người này phạm tội ở nước ngoài không bị thể hiện trong lý lịch tư pháp tại Việt Nam.

    Trân trọng!

    6