09:49 - 18/12/2024

Những ngành nghề cần có bằng cử nhân luật mà sinh viên luật có thể lựa chọn sau khi tốt nghiệp?

Cho tôi hỏi con tôi muốn thi vào trường luật nên tôi muốn tìm hiểu cử nhân luật ra có thể làm những ngành nghề nào?

Nội dung chính

    Công việc chuyên ngành Luật nào cần có bằng Cử nhân Luật?

    (1) Công chứng viên:

    Căn cứ tại Điều 8 Luật Công chứng 2014 quy định tiêu chuẩn trở thành công chứng viên như sau:

    Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:

    - Có bằng cử nhân luật;

    - Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;

    - Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật này hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này;

    - Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;

    - Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.

    (2) Luật sư

    Căn cứ tại Điều 10 Luật Luật sư 2006 quy định:

    Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.

    (3) Trợ giúp viên pháp lý

    Theo quy định tại Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 về tiêu chuẩn trở thành trợ giúp viên pháp lý có quy định như sau:

    Công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý:

    - Có phẩm chất đạo đức tốt;

    - Có trình độ cử nhân luật trở lên;

    - Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý;

    - Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý;

    - Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.

    (4) Quản tài viên

    Căn cứ tại Điều 12 Luật Phá sản 2014 quy định về điều kiện hành nghề Quản tài viên như sau:

    - Những người sau đây được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên:

    + Luật sư;

    + Kiểm toán viên;

    + Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo.

    - Điều kiện được hành nghề Quản tài viên:

    + Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

    + Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;

    + Có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.

    Những ngành nghề cần có bằng cử nhân luật mà sinh viên luật có thể lựa chọn sau khi tốt nghiệp?

    Những ngành nghề cần có bằng “Cử nhân Luật” mà sinh viên Luật có thể lựa chọn sau khi tốt nghiệp?

    Công việc trong cơ quan Nhà nước nào cần bằng tốt nghiệp ngành Luật?

    (5) Thẩm phán

    khoản 2 Điều 67 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 quy định một trong những điều kiện để trở thành thẩm pháp là:

    - Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.

    - Có trình độ cử nhân luật trở lên.

    (6) Kiểm sát viên

    Theo khoản 2 Điều 75 Luật Tổ chức kiểm sát nhân dân 2014 quy định tiêu chuẩn trở thành Kiểm sát viên trong đó:

    - Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

    - Có trình độ cử nhân luật trở lên

    (7) Điều tra viên vụ việc cạnh tranh

    Căn cứ tại Điều 53 Luật Cạnh tranh 2018 quy định tiêu chuẩn của điều tra viên vụ việc cạnh tranh, gồm:

    - Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực.

    - Là công chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

    - Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, tài chính và công nghệ thông tin.

    - Có tổng thời gian công tác thực tế ít nhất là 05 năm trong một hoặc một số lĩnh vực quy định tại khoản 3 Điều này.

    - Được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra.

    (8) Thành viên Ủy ban cạnh tranh Quốc gia

    Căn cứ tại Điều 49 Luật Cạnh tranh 2018 quy định tiêu chuẩn trở thành thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, cụ thể như sau:

    - Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực.

    - Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, tài chính.

    - Có tổng thời gian công tác thực tế ít nhất là 09 năm trong một hoặc một số lĩnh vực quy định tại khoản 2 Điều này.

    (9) Chấp hành viên

    Theo khoản 1 điều 18 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định điều kiện để trở thành chấp hành viên như sau:

    Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên.

    (10) Báo cáo viên pháp luật

    Căn cứ tại khoản 2 điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 về tiêu chuẩn báo cáo viên pháp luật như sau:

    Báo cáo viên pháp luật phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

    - Có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, có uy tín trong công tác;

    - Có khả năng truyền đạt;

    - Có bằng tốt nghiệp đại học luật và thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật ít nhất là 02 năm; trường hợp không có bằng tốt nghiệp đại học luật, nhưng có bằng tốt nghiệp đại học khác thì phải có thời gian công tác liên quan đến pháp luật ít nhất là 03 năm”

    (11) Giám thị, Phó giám thị, Trưởng phân trại, Phó trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó đội trưởng trại giam

    Theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật Thi hành án hình sự 2019 về tiêu chuẩn của Giám thị, Phó giám thị, Trưởng phân trại, Phó trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó đội trưởng trại giam như sau:

    Giám thị, Phó Giám thị, Trưởng phân trại, Phó trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó đội trưởng phải là người có trình độ đại học cảnh sát, đại học an ninh hoặc cử nhân luật trở lên và bảo đảm các tiêu chuẩn khác theo quy định.

    (12) Người làm công tác pháp chế thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học

    Theo Điều 12 Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định về người làm công tác pháp chế thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học như sau:

    - Công chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.phải là công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương, có trình độ cử nhân luật trở lên.

    Viên chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập là viên chức có chức danh nghề nghiệp, có trình độ cử nhân luật trở lên.

    - Người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất 05 năm trực tiếp làm công tác pháp luật.

    (13) Tư vấn viên pháp luật

    Theo Điều 19 Nghị định 77/2008/NĐ-CP quy định tư vấn viên pháp luật phải có những điều kiện sau:

    Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có đủ tiêu chuẩn sau đây:

    + Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;

    + Có Bằng cử nhân luật;

    + Có thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên

    (14) Kiểm tra viên ngành Kiểm sát

    Theo Quyết định 73/2005/QĐ-BNV một trong những tiêu chuẩn để trở thành kiểm tra viên ngành Kiểm sát thì phải là cử nhân Luật trở lên.

    (15) Người được bổ nhiệm làm Thừa phát lại

    Theo Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về Thừa phát lại, trong đó yêu cầu:

    - Là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt;

    - Không có tiền án;

    - Có bằng cử nhân luật;

    (16) Thư ký Tòa án

    Theo Điều 92 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định:

    Thư ký Tòa án là người có trình độ cử nhân luật trở lên được Tòa án tuyển dụng, được đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án và bổ nhiệm vào ngạch Thư ký Tòa án.

    (17) Công chức làm công tác hộ tịch

    Theo Điều 72 Luật Hộ tịch 2014 quy định về Công chức làm công tác hộ tịch:

    Công chức làm công tác hộ tịch tại Phòng Tư pháp phải có trình độ cử nhân luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch.

    (18) Ủy viên Ban Giải quyết khiếu nại thuộc Bộ phận pháp chế của Liên Đoàn Bóng Đá Việt Nam

    Theo Quyết định 224/QĐ-BNV năm 2010:

    Các Ủy viên Ban Giải quyết khiếu nại phải có bằng cử nhân luật.

    Một số ngành nghề khác mà cử nhân Luật có thể làm như:

    (19) Giảng viên ngành Luật

    (20)Trợ lý Luật sư

    (21) Pháp chế doanh nghiệp

    ...

    Thời gian trung bình để cử nhân Luật trở thành luật sư và thẩm phán là bao lâu?

    Theo quy định tại Luật Luật sư 2006Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014Quyết định 1718/QĐ-TANDTC năm 2017 thì:

    - Thời gian trung bình để trở thành Luật sư là 06 năm bao gồm thời gian 04 năm là sinh viên Luật và thời gian hoàn thành các khóa học, tập sự hành nghề và kiểm tra theo quy định (02-03 năm).

    - Thời gian trung bình để trở thành Thẩm phán sơ cấp là 10 năm bao gồm 04 năm là sinh viên Luật, thời gian công tác pháp luật 05 năm và thời gian tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ xét xử (06 tháng).

    - Thời gian trung bình để trở thành Thẩm phán trung cấp sẽ là 15 năm bao gồm thời gian trở thành Thẩm Phán sơ cấp (10 năm) và có thời gian công tác dưới chức danh Thẩm Phán sơ cấp (5 năm).

    - Thời gian trung bình để trở thành Thẩm phán cao cấp sẽ là 20 năm bao gồm thời gian trở thành Thẩm Phán trung cấp (15 năm) và có thời gian công tác dưới chức danh Thẩm Phán trung cấp (5 năm).

    - Thời gian trung bình để trở thành Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ là 25 năm kể từ khi trở thành một sinh viên trường Luật. Trong đó thời gian trở thành Thẩm Phán cao cấp (20 năm) và có thời gian công tác dưới chức danh Thẩm Phán cao cấp (5 năm).

    201
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ