11:26 - 27/09/2024

Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư pháp trong hoạt động tương trợ tư pháp được quy định như thế nào?

Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư pháp trong hoạt động tương trợ tư pháp được quy định như thế nào? Văn bản nào hiện nay quy định về vấn đề này?

Nội dung chính

    Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư pháp trong hoạt động tương trợ tư pháp được quy định như thế nào?

    Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư pháp trong hoạt động tương trợ tư pháp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị định 92/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Tương trợ tư pháp.

    Theo đó, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động tương trợ tư pháp có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

    - Chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tương trợ tư pháp; ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tương trợ tư pháp; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên tịch hướng dẫn hoạt động tương trợ tư pháp.

    - Phối hợp với cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp xây dựng kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm về ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp theo quy định tại các Điều 63, 64, 65 và 66 của Luật Tương trợ tư pháp; chủ trì đàm phán các hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự; phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan đàm phán các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan lập kế hoạch triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trình Chính phủ quyết định; tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.

    - Chủ trì, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tổ chức các lớp bồi dưỡng pháp luật trong nước, điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động tương trợ tư pháp cho các cán bộ thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp.

    - Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật về tương trợ tư pháp.

    - Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Toà án nhân dân tối cao tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự tại các Toà án nhân dân và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Tòa án nhân dân tối cao kiểm tra việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù nhằm phát hiện kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật liên quan.

    - Chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tổ chức các cuộc họp định kỳ để trao đổi thông tin, thảo luận, quyết định các biện pháp phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện tương trợ tư pháp.

    - Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổng kết, báo cáo Chính phủ về hoạt động tương trợ tư pháp hàng năm theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp.

    22