Nghị định 92/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Tương trợ tư pháp

Số hiệu 92/2008/NĐ-CP
Ngày ban hành 22/08/2008
Ngày có hiệu lực 23/09/2008
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/2008/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 22 tháng 08 năm 2008

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tương trợ tư pháp ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Pháp lệnh về phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp về chi phí thực hiện ủy thác tư pháp quy định tại các Điều 16, 31, 48, 60; chế độ báo cáo, thông báo hoạt động tương trợ tư pháp từ Điều 61 đến Điều 70 và nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong việc thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động tương trợ tư pháp quy định tại Điều 62 của Luật Tương trợ tư pháp.

Điều 2. Nguyên tắc trả chi phí thực hiện tương trợ tư pháp

1. Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam và nước ngoài do nước yêu cầu chi trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thuật ngữ “thỏa thuận khác” theo quy định tại khoản 1 Điều 16, Điều 31, Điều 48 và Điều 60 của Luật Tương trợ tư pháp là điều ước quốc tế theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế theo quy định của Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

2. Trường hợp Việt Nam và nước ngoài chưa có thỏa thuận quy định tại khoản 1 Điều này thì việc chi trả chi phí thực hiện tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

3. Cá nhân, tổ chức Việt Nam yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự làm phát sinh yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài (sau đây gọi là người yêu cầu) phải trả chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự, trừ cá nhân được hỗ trợ phí theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này.

Điều 3. Quản lý và sử dụng chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự

1. Cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự mà làm phát sinh yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự ra nước ngoài phải nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự theo quy định của Việt Nam và chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự theo yêu cầu của nước ngoài.

Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp nêu trong Nghị định này bao gồm phí và các chi phí thực tế theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự ra nước ngoài có trách nhiệm thu chi phí thực hiện tương trợ tư pháp trong nước và thông báo cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu nêu tại khoản 1 Điều này các chi phí thực hiện ủy thác tư pháp theo yêu cầu của nước ngoài để thực hiện trước khi gửi hồ sơ ra nước ngoài. Trong trường hợp có phát sinh chi phí thực tế trong nước, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện việc tạm thu một khoản chi phí để thanh toán theo hóa đơn, chứng từ thực tế theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài liên quan.

3. Cá nhân, tổ chức nước ngoài có yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự cho Việt Nam phải nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự có trách nhiệm thu chi phí thực hiện ủy thác tư pháp đó.

4. Bộ Tài chính quy định cụ thể về mức phí; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng các chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự.

Điều 4. Hỗ trợ chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự

1. Công dân Việt Nam thuộc các đối tượng sau đây được miễn phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự:

a. Người nghèo được miễn phí tương trợ tư pháp về dân sự là người thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật;

b. Người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945;

c. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng;

d. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động;

đ. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

e. Bệnh binh;

g. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

h. Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

[...]