09:18 - 18/12/2024

Người trên 18 tuổi có được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật hiện hành hay không?

Tôi đang có nhu cầu nhận con nuôi. Cho tôi hỏi người trên 18 tuổi có được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật hay không?

Nội dung chính

    Người trên 18 tuổi có được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật hiện hành hay không?

    Căn cứ Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về những người được nhận làm con nuôi như sau:

    Người được nhận làm con nuôi
    1. Trẻ em dưới 16 tuổi
    2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
    b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
    3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
    4. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.

    Như vậy, theo quy định nêu trên thì độ tuổi tối đa của người được nhận làm con nuôi là dưới 18 tuổi. Do đó, người trên 18 tuổi không thuộc đối tượng được nhận làm con nuôi theo quy định hiện nay.

    Người trên 18 tuổi có được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật hiện hành hay không?

    Người trên 18 tuổi có được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật hiện hành hay không?

    Người muốn nhận con nuôi cần phải đáp ứng những điều kiện gì?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010, người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

    - Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

    - Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

    - Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

    - Có tư cách đạo đức tốt.

    - Đối với trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không xét điều kiện hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên và có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi.

    Đồng thời, những người sau đây không được nhận con nuôi:

    - Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

    - Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

    - Đang chấp hành hình phạt tù;

    - Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

    Việc nuôi con nuôi theo quy định hiện nay có những hệ quả gì?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010 về hệ quả của việc nuôi con nuôi như sau:

    Hệ quả của việc nuôi con nuôi
    1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
    2. Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.
    Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.
    3. Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.
    4. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.

    Như vậy, hệ quả của việc nuôi con nuôi bao gồm:

    - Về quyền và nghĩa vụ: Cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan kể từ ngày giao nhận con nuôi.

    - Con nuôi có thể thay đổi họ, tên theo yêu cầu của cha mẹ nuôi. Việc thay đổi họ, tên phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

    Trường hợp con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải được sự đồng ý của người đó.

    - Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.

    - Kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi. (Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác)

    139
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ