21:01 - 28/11/2024

Người nhận con nuôi là người nước ngoài thì phải chuẩn bị những giấy tờ gì?

Người nhận con nuôi là người nước ngoài thì phải chuẩn bị những giấy tờ gì? Theo quy định thì khi nhận con nuôi có cần sự đồng ý của cả cha mẹ đẻ không?

Nội dung chính

    Người nhận con nuôi là người nước ngoài thì phải chuẩn bị những giấy tờ gì?

    Theo Điều 31 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định như sau:

    Hồ sơ của người nhận con nuôi
    1. Hồ sơ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có các giấy tờ, tài liệu sau đây:
    a) Đơn xin nhận con nuôi;
    b) Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
    c) Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;
    d) Bản điều tra về tâm lý, gia đình;
    đ) Văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe;
    e) Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;
    g) Phiếu lý lịch tư pháp;
    h) Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
    i) Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này.
    2. Các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 điều này do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú lập, cấp hoặc xác nhận.
    3. Hồ sơ của người nhận con nuôi được lập thành 02 bộ và nộp cho Bộ Tư pháp thông qua cơ quan trung ương về nuôi con nuôi của nước nơi người nhận con nuôi thường trú; trường hợp nhận con nuôi đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này thì người nhận con nuôi có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho Bộ Tư pháp.

    Theo đó, những giấy tờ mà người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi cần chuẩn bị để nhận con nuôi bao gồm:

    - Đơn xin nhận con nuôi

    - Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế

    - Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam

    - Bản điều tra về tâm lý, gia đình

    - Văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe

    - Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản

    - Phiếu lý lịch tư pháp

    - Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân

    - Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Nuôi con nuôi 2010 cụ thể:

    Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài được nhận con nuôi đích danh trong các trường hợp sau đây:

    + Là cha dượng, mẹ kế của người được nhận làm con nuôi;

    + Là cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;

    + Có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được nhận làm con nuôi;

    + Nhận trẻ em khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác làm con nuôi;

    + Là người nước ngoài đang làm việc, học tập ở Việt Nam trong thời gian ít nhất là 01 năm.

    Người nhận con nuôi là người nước ngoài thì phải chuẩn bị những giấy tờ gì?

    Người nhận con nuôi là người nước ngoài thì phải chuẩn bị những giấy tờ gì? (Hình từ internet)

    Theo quy định thì khi nhận con nuôi có cần sự đồng ý của cả cha mẹ đẻ không?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 21 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về đồng ý cho làm con nuôi như sau:

    Sự đồng ý cho làm con nuôi
    1. Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại;nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.
    2. Người đồng ý cho làm con nuôi quy định tại khoản 1 điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi.
    3. Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
    4. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.

    Như vậy, theo quy định của pháp luật, việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi.

    Tuy nhiên, nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại.

    Nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ.

    Lưu ý: trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó và sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

    Bố mẹ ruột có phải cấp dưỡng khi con mình được người khác nhận làm con nuôi không?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

    Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng
    Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
    1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
    2. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
    3. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
    4. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
    5. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
    6. Trường hợp khác theo quy định của luật.

    Từ quy định nêu trên, nghĩa vụ cấp dưỡng của bố mẹ ruột sẽ chấm dứt khi người con được người khác nhận làm con nuôi, trừ khi bố mẹ ruột tự nguyện tiếp tục cấp dưỡng nuôi con.

    79
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ