10:15 - 18/12/2024

Người lao động có bắt buộc phải tham gia công đoàn không? Nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn quy định như thế nào?

Người lao động có bắt buộc phải tham gia công đoàn không? Nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Người lao động có bắt buộc phải tham gia công đoàn hay không?

    Theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau:

    Quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
    1. Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn.
    2. Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của Bộ luật này.
    3. Các tổ chức đại diện người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

    Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 4 Luật Công đoàn 2012 quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Quyền công đoàn là quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động, đoàn viên công đoàn và quyền của tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của cơ quan có thẩm quyền.

    Theo đó, việc thành lập, gia nhập công đoàn là quyền của người lao động. Người lao động có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền của mình mà không vi phạm pháp luật.

    Người lao động có bắt buộc phải tham gia công đoàn không? Nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn quy định như thế nào? (Hình từ Internet)

    Người lao động có bắt buộc phải tham gia công đoàn không? Nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn quy định như thế nào? (Hình từ Internet)

    Nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn quy định như thế nào?

    Nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn tại Điều 6 Luật Công đoàn 2012 được quy định như sau:

    - Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

    - Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

    Cưỡng ép người lao động tham gia công đoàn bị xử phạt như thế nào?

    Theo điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau:

    Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
    1. Phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động, bao gồm:
    a) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động;
    ...

    Theo đó, nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi yêu cầu người lao động tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (tại đây là công đoàn) thì mới được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động với người lao động.

    Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 36 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về các hành vi vi phạm quy định về phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau:

    Vi phạm quy định về phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
    1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
    a) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động;
    b) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động;
    c) Kỷ luật lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không tiếp tục giao kết hợp đồng lao động, không gia hạn hợp đồng lao động hoặc chuyển người lao động làm công việc khác;
    d) Cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
    ...

    Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động có hành vi yêu cầu người lao động tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (tại đây là công đoàn) để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

    Đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức thực hiện cùng hành vi vi phạm sẽ áp dụng mức phạt bằng 02 lần đối với cá nhân (Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

    278
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ