14:21 - 13/11/2024

Người lao động bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (bão Yagi) được hỗ trợ thế nào?

Người lao động bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 được hỗ trợ thế nào? Người lao động ngừng việc trên 14 ngày do bão số 3 thì có được trả lương không?

Nội dung chính

    Người lao động bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (bão Yagi) được hỗ trợ thế nào?

    Ngày 10/9/2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Công văn 2038/TLĐ-QHLĐ Tải về chăm lo, hỗ trợ, đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 năm 2024.

    Căn cứ Công văn 2038/TLĐ-QHLĐ năm 2024 như sau:

    [....]
    1. Chủ động có văn bản đề nghị Quỹ Tấm lòng vàng hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (theo quy định của Quỹ) cho đối tượng:
    + Đoàn viên, người lao động bị thiệt mạng do ảnh hưởng của bão: 10 triệu đồng/người chết
    + Đoàn viên, người lao động bị thương nặng phải nằm viện điều trị, hỗ trợ mức từ 01 đến 5 triệu đồng/người.
    2. Đối với những địa phương, ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3 căn cứ mức độ thiệt hại về tài sản (nhà cửa bị tốc mái, lũ cuốn trôi, sạt lở, nhà cửa bị hư hỏng cần sửa chữa ngay...) kịp thời hỗ trợ đoàn viên, người lao động khắc phục hậu quả, ổn định đời sống với mức hỗ trợ từ 01 đến 03 triệu đồng/trường hợp (từ nguồn tài chính tích lũy chi thường xuyên).
    [...]

    Theo đó, người lao động bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 được hỗ trợ như sau:

    - 10 triệu đồng/người chết đối với Đoàn viên, người lao động bị thiệt mạng do ảnh hưởng của bão số 3

    - Từ 01 đến 5 triệu đồng/người đối với Đoàn viên, người lao động bị thương nặng phải nằm viện điều trị, hỗ trợ

    - Từ 01 đến 03 triệu đồng/trường hợp (từ nguồn tài chính tích lũy chi thường xuyên) đối với những địa phương, ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3 căn cứ mức độ thiệt hại về tài sản (nhà cửa bị tốc mái, lũ cuốn trôi, sạt lở, nhà cửa bị hư hỏng cần sửa chữa ngay...) kịp thời hỗ trợ đoàn viên, người lao động khắc phục hậu quả, ổn định đời sống

    Người lao động bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 được hỗ trợ thế nào? (Hình từ Internet)

    Người lao động ngừng việc trên 14 ngày do bão số 3 thì có được trả lương không?

    Căn cứ Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định tiền lương ngừng việc:

    Điều 99. Tiền lương ngừng việc
    Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
    1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
    2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
    3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
    a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
    b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

    Như vậy, người lao động ngừng việc trên 14 ngày do bão số 3 thì được trả lương. Mức lương do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

    Có được đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động do bão số 3 không?

    Căn cứ Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 quy định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động:

    Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
    1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
    a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
    b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
    Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;
    c) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;
    [...]

    Như vậy, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động do bão số 3 mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc

    2