16:24 - 27/09/2024

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ có thẩm quyền ký những văn bản nào?

Các văn bản thuộc thẩm quyền ký của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ được quy định thế nào? Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ có thẩm quyền ký những văn bản nào? Văn bản nào quy định vấn đề này?

Nội dung chính

    Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ có thẩm quyền ký những văn bản nào?

    Thẩm quyền ký văn bản của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ được quy định tại Khoản 3, 4 và 5 Điều 12 Quy chế làm việc của Bộ Nội vụ ban hành kèm theo Quyết định 1079/QĐ-BNV năm 2012 như sau:

    3. Bộ trưởng giao Chánh Văn phòng Bộ, Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ ký thừa lệnh (TL) một số loại văn bản. Việc giao ký thừa lệnh các văn bản theo quy định tại các quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ và theo từng văn bản cụ thể.

    a) Văn bản ký thừa lệnh (TL) Bộ trưởng phải được Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực phê duyệt về nội dung trước khi ký ban hành (trừ những văn bản: đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin phục vụ công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; xác nhận hồ sơ, lý lịch; phiếu chuyển đơn thư; giấy nghỉ phép năm theo quy định; giấy mời họp gửi các cơ quan hữu quan. Riêng thông tin về nhân sự thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ quản lý phải được sự ủy nhiệm của Bộ trưởng bằng văn bản và phải gửi báo cáo Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực sau khi phát hành). Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về nội dung văn bản ký thừa lệnh Bộ trưởng;

    b) Không được ký thừa lệnh (TL) Bộ trưởng các văn bản hành chính có nội dung mang tính quy phạm pháp luật, quyết định hành chính hoặc sự chỉ đạo bắt buộc thực hiện nếu không được ủy quyền của Bộ trưởng;

    c) Trừ những trường hợp đã được phân công hoặc ủy quyền bằng văn bản của Bộ trưởng, các trường hợp ký thay, ký thừa lệnh phải có sự ủy quyền hoặc lệnh cụ thể của Bộ trưởng. Sau khi văn bản được ký phải báo cáo Bộ trưởng.

    4) Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ được Bộ trưởng ủy quyền ký thừa ủy quyền (TUQ) một số văn bản về lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành theo quyết định riêng của Bộ trưởng và không được ủy quyền lại. Nội dung ký thừa ủy quyền phải được Bộ trưởng phê duyệt trước khi phát hành và phải báo cáo Bộ trưởng sau khi phát hành.

    5. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng được ký tất cả các văn bản thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân công, phân cấp quản lý và phải có trách nhiệm quản lý, sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật. Không được dùng con dấu của Bộ để giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị mình, không được nhân danh Bộ khi sử dụng con dấu của đơn vị mình.

    Trên đây là nội dung quy định về thẩm quyền ký văn bản của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1079/QĐ-BNV năm 2012.

    28