Ngày 27 12 là ngày gì? Người lao động nghỉ làm vào ngày 27 tháng 12 có được hưởng nguyên lương không?
Nội dung chính
Ngày 27 12 là ngày gì? Tại sao ngày 27 12 được chọn là ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh?
Ngày 27/12 được Liên Hợp Quốc công nhận là Ngày Quốc tế Phòng chống Dịch bệnh nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị và ứng phó kịp thời trước các mối đe dọa từ dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu.
Ngày 27/12 không chỉ là một ngày đặc biệt để kỷ niệm tinh thần chống dịch bệnh trên toàn cầu, mà còn mang ý nghĩa lịch sử quan trọng. Ngày này trùng với ngày sinh của nhà khoa học Louis Pasteur, người tiên phong đặt nền móng cho lĩnh vực y tế dự phòng và phát triển vắc xin.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đề xuất và thúc đẩy thông qua nghị quyết chọn ngày 27/12 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Những hoạt động nổi bật:
- Truyền thông cộng đồng: Tuyên truyền về cách phòng chống dịch như tiêm chủng, rửa tay thường xuyên, và giữ khoảng cách.
- Giám sát dịch tễ: Theo dõi các điểm nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại địa phương.
- Phát triển y tế dự phòng: Đầu tư nghiên cứu và sản xuất vắc xin, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như COVID-19 và cúm gia cầm.
Ngày 27 12 là ngày gì? Người lao động nghỉ làm vào ngày 27 tháng 12 có được hưởng nguyên lương không? (Hình từ Internet)
Người lao động nghỉ làm vào ngày 27 12 có được hưởng nguyên lương không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 112 Bộ Luật lao động 2019 về ngày nghỉ lễ, tết như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo đó, ngày 27 tháng 12 không thuộc ngày nghỉ lễ tết được hưởng nguyên lương của người lao động.
Tuy nhiên, người lao động nghỉ làm vào 27 12 có thể được hưởng nguyên lương trong các trường hợp sau đây:
(1) Trường hợp người lao động sử dụng ngày nghỉ phép hàng năm
Theo Điều 113 Bộ Luật lao động 2019 quy định ngày nghỉ phép hằng năm của người lao động như sau:
Người lao động được nghỉ phép hưởng nguyên lương từ 12 - 16 ngày một năm nếu làm việc đủ 12 tháng cho người lao động (tùy vào mức độ công việc), cụ thể như sau:
- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đồng thời, người lao động làm việc trên 05 năm còn được cộng phép thâm niên (cứ đủ 05 năm tính thêm 01 ngày phép).
(2) Trường hợp ngày 27 12 trùng vào ngày nghỉ công việc riêng của người lao động
Căn cứ tại Điều 115 Bộ Luật lao động 2019 quy định người lao động được hưởng nguyên lương khi xin nghỉ đối với các công việc riêng như:
- Kết hôn (03 ngày)
- Con cái kết hôn (01 ngày)
- Cha mẹ đẻ; cha mẹ nuôi; cha mẹ chồng/ vợ; vợ/chồng; con cái chết (03 ngày).
Trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống bệnh truyền nhiễm được quy định ra sao?
Căn cứ tại Điều 12 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống bệnh truyền nhiễm như sau:
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
- Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp chính xác và kịp thời thông tin về bệnh truyền nhiễm.
- Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên thông tin, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, lồng ghép chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm với các chương trình thông tin, truyền thông khác.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng nội dung giáo dục phòng, chống bệnh truyền nhiễm kết hợp với các nội dung giáo dục khác.
- Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho nhân dân địa phương.
- Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng để thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo hình, báo điện tử theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng không thu phí, trừ trường hợp thực hiện theo hợp đồng riêng với chương trình, dự án hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tài trợ.