Ngân hàng nghỉ Tết có chuyển tiền được không?
Nội dung chính
Ngân hàng nghỉ Tết Âm lịch 2025 ngày nào?
Ngày 03/12/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông báo 6150/TB-BLĐTBXH năm 2024 về việc nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Theo đó, lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của các ngân hàng dự kiến như sau:
- Thời gian nghỉ: Từ thứ Hai ngày 27/01/2025 (28 tháng Chạp) đến Thứ Sáu, ngày 31/1/2025 (mùng 3 tháng Giêng).
- Ngày làm việc trở lại: Thứ Hai, ngày 03/02/2025.
Lưu ý: Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của các ngân hàng có thể được điều chỉnh, người dân nên liên hệ trước với phòng giao dịch gần nhất của các ngân hàng thông qua số điện thoại hotline hoặc website chính thức để xác định chính xác thời gian giao dịch.
Ngân hàng nghỉ Tết có chuyển tiền được không? (Hình từ Internet)
Ngân hàng nghỉ Tết có chuyển tiền được không?
Trong thời gian ngân hàng nghỉ Tết, khách hàng vẫn có thể chuyển tiền bình thường vì hệ thống chuyển tiền ngân hàng trực tuyến của các ngân hàng vẫn hoạt động.
Cụ thể, một số ngân hàng công bố lịch gián đoạn chuyển tiền ngân hàng Tết 2025 như sau:
(1) Ngân hàng Vietcombank
Theo thông báo của ngân hàng Vietcombank về thời gian hoạt động của dịch vụ chuyển tiền trong lãnh thổ Việt Nam ngày 16/01/2025, các giao dịch chuyển tiền trong hệ thống ngân hàng Vietcombank (trừ giao dịch chuyển tiền đến Kho bạc Nhà nước) và chuyển tiền nhanh ra ngoài hệ thống trên kênh ngân hàng điện từ thực hiện 24/7 như hiện hành.
(2) Ngân hàng VPBank
Ngày 16/01/2025, ngân hàng VPBank thông báo lịch giao dịch trong dịp Tết Nguyên đán 2025, trong đó, các hoạt động chuyển khoản bao gồm: Chuyển khoản nhanh 247, chuyển khoản nội bộ VPBank và chuyển khoản định kỳ vẫn hoạt động bình thường.
(3) Ngân hàng Sacombank
Trong thời gian ngân hàng Sacombank ngưng giao dịch (từ Thứ Hai ngày 27/01/2025 đến hết Thứ Sáu ngày 31/01/2025), các kênh giao dịch Sacombank Pay, iBanking/mBanking, thẻ, ATM, CDM (máy nộp và rút tiền vẫn hoạt động bình thường.
Đang tiếp tục cập nhật...
Những năm sinh sẽ bị khóa tài khoản ngân hàng nếu không đổi căn cước trong năm 2025?
Việc sử dụng tài khoản ngân hàng phải đảm bảo việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện. Ngân hàng sẽ tạm dừng giao dịch thẻ với các trường hợp thẻ căn cước công dân của khách hàng hết hiệu lực (điểm b, điểm c khoản 5 Điều 17 Thông tư 17/2024/TT-NHNN; điểm q khoản 1 Điều 17 Thông tư 18/2024/TT-NHNN);
Bên cạnh đó, công dân Việt Nam phải đổi từ CCCD sang thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Tuy nhiên nếu thẻ CCCD đã được cấp trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi này thì có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo (Điều 21 Luật Căn cước 2023; khoản 1 Điều 11 Thông tư 17/2024/TT-NHNN);
Như vậy, những năm sinh sẽ bị khóa tài khoản ngân hàng nếu không đổi căn cước trong năm 2025 là năm 2000 (25 tuổi), năm 1985 (40 tuổi), năm 1965 (60 tuổi). Tuy nhiên, nếu năm 2000, 1985, 1965 đã làm CCCD trong thời hạn 2 năm trước độ tuổi đổi thẻ thì không cần phải làm thẻ căn cước trong năm 2025.
Cách đơn giản nhất để biết được thẻ CCCD còn thời hạn hay không thì chỉ cần xem trên mặt trước của thẻ CCCD. Nếu còn thời hạn thì không phải làm thẻ căn cước trong năm 2025.
Hoạt động ngân hàng bao gồm những gì?
Căn cứ Điều 107 Luật các tổ chức tín dụng 2024 quy định những hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại bao gồm:
- Nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các loại tiền gửi khác.
- Phát hành chứng chỉ tiền gửi.
- Cấp tín dụng dưới các hình thức sau đây:
+ Cho vay;
+ Chiết khấu, tái chiết khấu;
+ Bảo lãnh ngân hàng;
+ Phát hành thẻ tín dụng;
+ Bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế đối với các ngân hàng được phép thực hiện thanh toán quốc tế;
+ Thư tín dụng;
+ Hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
- Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.
- Cung ứng các phương tiện thanh toán.
- Cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản sau đây:
+ Thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước bao gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, chuyển tiền, thẻ ngân hàng, dịch vụ thu hộ và chi hộ;
+ Thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản; dịch vụ thanh toán khác theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Các hoạt động kinh doanh của ngân hàng bao gồm những gì?
Căn cứ Điều 114 Luật các tổ chức tín dụng 2024 quy định những hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại bao gồm:
- Ngân hàng thương mại được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác sau đây theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
+ Dịch vụ quản lý tiền mặt; dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn;
+ Cung ứng các dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ và các dịch vụ thanh toán khác không qua tài khoản;
+ Mua, bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trái phiếu doanh nghiệp; mua, bán giấy tờ có giá khác, trừ mua, bán giấy tờ có giá quy định tại điểm a khoản 2 Điều 114 Luật các tổ chức tín dụng 2024;
+ Dịch vụ môi giới tiền tệ;
+ Kinh doanh vàng;
+ Dịch vụ khác liên quan đến bao thanh toán, thư tín dụng;
+ Tư vấn về hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác quy định trong Giấy phép.
- Ngân hàng thương mại được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác sau đây theo quy định của pháp luật có liên quan:
+ Mua, bán công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương;
+ Phát hành trái phiếu;
+ Lưu ký chứng khoán;
+ Nghiệp vụ ngân hàng giám sát;
+ Đại lý quản lý tài sản bảo đảm cho bên cho vay là tổ chức tài chính quốc tế, tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Ngân hàng thương mại được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến hoạt động ngân hàng ngoài các hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 114 Luật các tổ chức tín dụng 2024 theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quy định khác của pháp luật có liên quan.