Phong sát nghệ sĩ là gì? Việt Nam có quy định về việc phong sát nghệ sĩ không?

Phong sát nghệ sĩ là gì? Việt Nam có quy định về việc phong sát nghệ sĩ không? Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp đối người hoạt động nghệ thuật như thế nào?

Nội dung chính

    Phong sát nghệ sĩ là gì?

    "Phong sát" là một thuật ngữ có nguồn gốc từ Hán Việt, được phiên âm từ chữ 封杀 (fēng shā) trong tiếng Trung Quốc. Trong đó, phong (封) có nghĩa là đóng kín, cấm không cho sử dụng, còn sát (杀) có nghĩa là sát hại hoặc giết chết. Thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ riêng nghệ thuật biểu diễn.

    Theo từ điển, "phong sát nghệ sĩ" được định nghĩa là lệnh cấm hoặc phong tỏa, nhằm ngăn cản một người hay một vật tồn tại hoặc tham gia vào một lĩnh vực nghệ thuật nhất định. Lệnh phong sát nghệ sĩ này có thể áp dụng vĩnh viễn hoặc tạm thời, tùy vào từng trường hợp cụ thể.

    Phong sát nghệ sĩ thường có nghĩa là cấm một cá nhân hoặc tổ chức tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp nhất định, như không cho phép phát sóng chương trình, xuất bản ấn phẩm hoặc cấm nghệ sĩ xuất hiện trên truyền hình. Ngoài ra, phong sát nghệ sĩ còn áp dụng với những sản phẩm truyền thông có nội dung nhạy cảm về chính trị hoặc không phù hợp với quan điểm của chính phủ.

    Ví dụ cụ thể tại Trung Quốc, một số nghệ sĩ đã bị phong sát do vi phạm pháp luật, như Trịnh Sảng (vì vi phạm quy định thuê người đẻ mướn và trốn thuế), Ngô Diệc Phàm (vì tội cưỡng hiếp và dâm ô tập thể), hay Triệu Vy (vì trốn thuế).

    Ở Việt Nam, khái niệm "phong sát" được hiểu dưới hình thức các biện pháp xử lý như "cấm sóng", "cấm mạng", hay "cấm diễn". Những biện pháp này được thực hiện để làm lành mạnh không gian mạng, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là đối với giới trẻ.

    Phong sát nghệ sĩ là gì? Việt Nam có quy định về việc phong sát nghệ sĩ không?

    Phong sát nghệ sĩ là gì? Việt Nam có quy định về việc phong sát nghệ sĩ không? (Hình từ Internet)

    Việt Nam có quy định về việc phong sát nghệ sĩ không?

    Việt Nam hiện tại chưa có một quy định chính thức cụ thể về "phong sát" giống như một số quốc gia khác, tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những biện pháp để quản lý và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật. Cụ thể, Bộ đã ban hành các quy tắc ứng xử đối với người hoạt động nghệ thuật, nhằm thúc đẩy các giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, khuyến khích hành vi ứng xử tôn trọng trên mạng xã hội. Những quy tắc này không mang tính chế tài nhưng giúp hướng dẫn và nâng cao ý thức cho các cá nhân và tổ chức tham gia hoạt động nghệ thuật.

    Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã thực hiện các biện pháp xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, với tổng số tiền xử phạt lên đến 335 triệu đồng từ năm 2020 đến 2022. Bên cạnh đó, Bộ còn ban hành Quyết định 3196/QĐ-BVHTTDL năm 2021 quy định về Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

    Đối với các hành vi vi phạm, chẳng hạn như việc đăng tải các clip phản cảm lên mạng xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp, căn cứ vào các quy định của Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, các Nghị định liên quan, như Nghị định 72/2013/NĐ-CPNghị định 15/2020/NĐ-CP, để đảm bảo trật tự, kỷ cương trong hoạt động nghệ thuật và trên không gian mạng.

    Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp đối người hoạt động nghệ thuật như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Quy tắc ban hành kèm Quyết định 3196/QĐ-BVHTTDL năm 2021 về quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp của người hoạt động nghệ thuật bao gồm:

    - Có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật, luôn tìm tòi cái mới, cái hay để phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống nhằm sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.

    - Lấy giá trị chân - thiện - mỹ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật, góp phần hình thành nhân cách, lý tưởng sống tốt đẹp, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người và cộng đồng xã hội.

    - Không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; tích cực khai thác các phương pháp sáng tạo, thể nghiệm mới, phù hợp với giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ.

    - Tiếp thu tinh hoa nghệ thuật thế giới, tiếp nhận có chọn lọc các khuynh hướng, trào lưu nghệ thuật của quốc tế góp phần xây dựng, phát triển nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đồng thời phát huy và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

    - Có ý thức quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, giữ gìn tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế, không làm tổn hại đến lợi ích, an ninh, chủ quyền quốc gia, tuân thủ pháp luật nước sở tại khi tham gia các hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài.

    - Giữ gìn danh hiệu, hình ảnh; chọn lựa sử dụng trang phục, hóa trang phù hợp với mục đích, nội dung hoạt động nghệ thuật.

    - Đấu tranh chống lại cái xấu, những hành vi tiêu cực, lệch chuẩn trong đời sống xã hội; giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; có nhận thức, quan điểm đúng trước những biểu hiện lệch lạc, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

    - Tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ ; không sáng tác, lưu hành, phổ biến, biểu diễn những tác phẩm có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống của dân tộc, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng.

    Chuyên viên pháp lý Hồ Nguyễn Bảo Ngọc
    33
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ