Thứ 5, Ngày 31/10/2024
18:00 - 31/10/2024

Mức xử phạt đối với hình thức lừa đảo tuyển dụng việc làm theo quy định pháp luật?

Dấu hiệu của hành vi lừa đảo thông qua hình thức tuyển dụng việc làm là gì? Mức phạt đối với hành vi lừa đảo tuyển dụng như thế nào?

Nội dung chính

    Dấu hiệu của hành vi lừa đảo thông qua hình thức tuyển dụng việc làm?

    (1) Về tài khoản đăng tin tuyển dụng

    Đối với các tin tuyển dụng việc làm mang tính lừa đảo, thông thường thông tin người tuyển dụng sẽ mập mờ, không đồng nhất.

    Nhiều đối tượng lừa đảo chọn cách mạo danh đại diện cho một, một vài doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử hoặc một số nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường với logo, số điện thoại, địa chỉ được sao chép gần như y hệt, khiến cho nạn nhân tin rằng đây là những thông tin tuyển dụng chính thống.

    Nhà tuyển dụng việc làm lừa đảo có thể sử dụng tài khoản ảo để đăng tin tuyển dụng trên các hội nhóm việc làm.

    Đặc điểm chung đối với các tài khoản tuyển dụng việc làm này đó là thường quay những video hoặc đăng tải những hình ảnh thể hiện sự giàu có như khoe tiền, check-in ở khách sạn, nhà hàng sang trọng hay mua sắm những món đồ hiệu đắt tiền nhằm tạo niềm tin nơi nạn nhân mà còn thúc đẩy được ham muốn làm giàu của các nạn nhân.

    (2) Hình thức tuyển dụng

    - Bài đăng có hình thức sơ sài, không chuẩn theo form mẫu văn phòng, từ ngữ sử dụng không trang trọng, sai chính tả.

    - Sử dụng email hoặc trang web không chính thống

    - Độ dài tin tuyển dụng thường rất ngắn cùng với tiêu đề thông tin tuyển dụng, mô tả công việc không rõ ràng nhưng đánh vào tâm lý người lao động việc nhẹ lương cao, có thể làm việc tại nhà

    (3) Dùng áp lực và thời hạn tuyển dụng gấp gáp

    - Mẫu bài đăng tuyển dụng thường có thời hạn ứng tuyển ngắn và bị hối thúc phải làm, phải nộp hồ sơ, thông tin ngay lập tức để giữ vị trí. Không cho người lao động có thời gian suy nghĩ và khiến người lao động phải nhanh chóng liên hệ nhận việc vì sợ lỡ mất cơ hội "tốt".

    (4) Phương thức lừa đảo

    Người tuyển dụng chủ động nhắn tin cho người lao động đang muốn tìm việc làm thông qua số điện thoại, facebook, các trang web tuyển dụng.

    Khi nạn nhân đã ứng tuyển thì yêu cầu phỏng vẫn online/phỏng vấn tại một trụ sở công ty giả mạo, sau đó các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải đóng các khoản phí, tiền đặt cọc để được làm nhân viên chính thức của công ty và hứa sẽ hoàn lại khi làm việc 03 tháng hay khi kết thúc hợp đồng.

    Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền hoặc khi phát hiện bị lộ các nhà tuyển dụng lập tức khóa các thông tin liên lạc và biến mất.

    Lừa đảo tuyển dụng (hình ảnh internet)

    Khi gặp trường hợp bị lừa đảo tuyển dụng thì nên làm gì?

    Khi phát hiện lừa đảo tuyển dụng, người dân cần làm đơn tố giác gửi đến các cơ quan sau đây:

    - Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

    - Các cơ quan, tổ chức khác khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác (theo khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC)

    Ngoài việc trình báo trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền, người bị lừa đảo tuyển dụng qua mạng còn có thể thông tin, trình báo qua Đường dây nóng của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (theo khoản 9 Điều 2 Nghị định 53/2022/NĐ-CP).

    Mức phạt đối với hành vi lừa đảo tuyển dụng?

    Người có hành vi lừa đảo tuyển dụng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

    Vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động
    1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
    a) Không khai trình việc sử dụng lao động theo quy định;
    b) Thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động;
    c) Không thể hiện, nhập đầy đủ thông tin về người lao động vào sổ quản lý lao động kể từ ngày người lao động bắt đầu làm việc;
    d) Không xuất trình sổ quản lý lao động khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
    ...
    4. Biện pháp khắc phục hậu quả
    Buộc người sử dụng lao động trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

    Như vậy, người có hành vi lừa đảo tuyển dụng như là thu tiền khi tham gia tuyển dụng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

    Đồng thời, buộc người sử dụng lao động trả lại cho người lao động khoản tiền tuyển dụng đã thu (khoản 4 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

    Đối với tổ chức có cũng hành vi vi phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng theo khoản 1 Điều 6  Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

    Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
    1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.