17:57 - 18/11/2024

Mặt khách quan của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Mặt khách quan của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?

Nội dung chính

    Mặt khách quan của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

    1. Hành vi khách quan
     
    Có thể nói người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là thiếu trách nhiệm, bản thân của hành vi này đã phản ánh bản chất của tội phạm. Nhưng biểu hiện của hành vi thiếu trách nhiệm lại không giống nhau, nó tùy thuộc vào nhiệm vụ được giao và tùy vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra hậu quả.
     
    Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong công tác quản lý, điều hành của người có chức vụ, quyền hạn được biểu hiện như: vi phạm các nguyên tắc, chính sách, chế độ liên quan đến việc quản lý nhà nước, quản lý con người, quản lý tài sản,…
     
    Các nguyên tắc, chế độ có liên quan đến việc quản lý nhà nước có thể là chế độ chính sách trên phạm vi toàn quốc, từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực. Các nguyên tắc, chế độ có liên quan đến việc quản lý con người la nguyên tắc chế độ quản lý cán bộ, công chức hoặc thành viên trong một cơ quan, tổ chức; có thể là quy chế, chỉ thị, nghị quyết, nghị định…về công tác quản lý cán bộ, công chức.
     
    Các nguyên tắc, chế độ có liên quan đến việc quản lý tài sản có thể là nguyên tắc, chế độ quản lý kinh tế, nhưng cũng có thể chỉ là nguyên tắc, chế độ về hành chính nhưng có liên quan quản lý tài sản, đôi khi chỉ là một bản nội quy cơ quan nếu vi phạm mà gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng bị coi là thiếu trách nhiệm.
     
    Thiếu trách nhiệm là không làm hoặc làm không hết trách nhiệm được giao nên mới gây hậu quả, nếu làm trong trách nhiệm được giao thì không thể gây hậu quả. Trường hợp đã làm hết trách nhiệm mà hậu quả vẫn xảy ra thì không phải là thiếu trách nhiệm và không phải là hành vi phạm tội này dù hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: ông Đào Ngọc H là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã giao cho Bùi văn T là Phó chủ tịch đại diện bên A ký hợp đồng với Công ty xây dựng M sửa chữa trụ sở Ủy Ban Nhân dân xã với tổng giá trị là 600 triệu đồng. Trong quá trình thi công, ông H đẫ thường xuyên yêu cầu T báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện hợp đồng. Việc thực hiện đang tiến triển thuận lợi thì đột nhiên ông H bị bệnh phải vào bệnh viện tỉnh điều trị.
     
    Trong thời gian nằm viện, ông H yêu cầu T thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng cho nghe, nhưng T đã móc ngoặc với bên B nâng khống một số hạng mục công trình rút tiền chia nhau. Sau khi nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng được sáu tháng thì bị sập một góc làm chết một người và bị thương 2 người với tỷ lệ thương tật mỗi người là 35%. Mặc dù là người đứng đầu, nhưng ông H đã làm hết trách nhiệm của mình, nên không thể coi việc làm của ông H là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
     
    Thực tiễn xét xử cho thấy, hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị coi là hành vi phạm tội thường là những hành vi thiếu yếu tố cấu thành tội phạm khác hoặc không chứng minh được động cơ, mục đích phạm tội. Ví dụ: trong vụ án Nguyễn Ngọc Lâm, một số cán bộ liểm hóa thuộc Cục hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã không làm tròn trách nhiệm (không kiểm hóa hoặc kiểm hóa qua loa) để Nguyễn Ngọc Lâm buôn lậu trót lọt một lượng lớn xe ô tô. Trong quá trình điều tra, không chứng minh được cán bộ hải quan này nhận hối lộ của Nguyễn Ngọc Lâm, nên chỉ truy cứu trách nhiệm hoạt động về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
     
    2. Hậu quả
     
    Hậu quả của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, là một bộ phận hợp thành tội danh, đó là hậu quả nghiêm trọng. Nếu hậu quả gây ra rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật. 
     
    Hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của con người; nhưng thiệt hại về tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức và những thiệt hại phi vật chất khác.
     
    Hành vi thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng, được xác định như là một một nguyên nhân gián tiếp. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội phạm này với một số tội phạm khác có hành vi thiếu trách nhiệm là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả như tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.
     
    Tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra, nhưng kham khảo hướng dẫn của liên ngành về các tội xâm phạm sở hữu, thì có thể coi hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra như đã phân tích ở các phần trên.
     

    12