Lễ ăn hỏi là gì? Lễ ăn hỏi cần chuẩn bị những gì?
Nội dung chính
Lễ ăn hỏi là gì?
Lễ ăn hỏi hay còn được gọi là đám hỏi, lễ đính hôn, là một nghi thức quan trọng trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt Nam từ xa xưa cho tới ngày nay.
Đây là dịp để hai gia đình chính thức thông báo về việc làm thông gia, hứa gả con và cũng dấu mốc quan trọng trong hành trình từ yêu đến kết hôn.
(1) Ý nghĩa của lễ ăn hỏi
Lễ ăn hỏi là lời khẳng định chính thức giữa hai bên gia đình, đánh dấu việc cô gái trở thành “vợ sắp cưới” của chàng trai. Trong nghi thức này, nhà trai mang lễ vật đến nhà gái để xin phép đón cô gái về làm dâu. Khi nhà gái nhận lễ vật, điều đó thể hiện sự đồng ý gả con gái.
Từ đây, đôi trẻ chính thức được xem như đã đính hôn và chỉ còn đợi đến ngày cử hành hôn lễ.
Thời gian tổ chức đám hỏi thường là gần sát ngày cưới và cách lễ đón dâu khoảng một tháng, thậm chí một tuần.
(2) Thành phần tham gia lễ ăn hỏi
Nhà trai: Gồm chú rể, bố mẹ, ông bà, người thân trong gia đình và một số thanh niên chưa lập gia đình để thực hiện nghi thức bê tráp (mâm quả). Số lượng người bê tráp thường là số lẻ, như 3, 5, 7, 9 hoặc 11.
Nhà gái: Gồm cô dâu, bố mẹ, ông bà, họ hàng và các cô gái chưa chồng để thực hiện nghi thức nhận tráp từ nhà trai. Số người nhận tráp sẽ tương ứng với số người bê tráp của nhà trai.
Lễ ăn hỏi là gì? Lễ ăn hỏi cần chuẩn bị những gì? (Hình ảnh từ Internet)
Lễ ăn hỏi cần chuẩn bị những gì? Trình tự tổ chức lễ ăn hỏi?
Lễ ăn hỏi (lễ đính hôn) là một nghi thức quan trọng, vậy nên việc chuẩn bị cho lễ ăn hỏi là một việc rất quan trọng.
(1) Lễ ăn hỏi cần chuẩn bị
Nhà trai cần chuẩn bị sính lễ: đây là phần quan trọng nhất để mang đến nhà gái. Tùy theo phong tục từng vùng miền và thỏa thuận giữa hai gia đình, số lượng tráp lễ vật có thể là 3, 5, 7, 9 hoặc 11 tráp. Các lễ vật trong tráp thường bao gồm:
- Trầu cau: Đây là lễ vật quan trọng nhất, bởi trầu cau tượng trưng cho tình yêu thủy chung, son sắt, gắn bó bền chặt của đôi lứa.
- Rượu và thuốc lá: Thể hiện sự kính trọng của con cháu đối với ông bà, tổ tiên.
- Bánh phu thê (bánh xu xê): Tượng trưng cho sự hòa hợp, gắn kết âm dương, mong ước cuộc sống vợ chồng ngọt ngào, hạnh phúc.
- Hoa quả tươi ngon: Phải được lựa chọn kỹ lưỡng, thể hiện sự đầy đủ sung túc và mong muốn một cuộc sống tươi đẹp.
- Chè, mứt sen: Tượng trưng cho sự ngọt ngào trong tình yêu và hôn nhân.
- Tiền nạp tài: Nhằm chúc cho cặp đôi có cuộc sống sung túc, giàu sang.
(2) Trình tự tổ chức Lễ ăn hỏi
- Nhà trai đến nhà gái: Nhà trai chuẩn bị đầy đủ lễ vật và xuất phát đến nhà gái vào giờ lành đã được hai bên thống nhất từ trước.
- Chào hỏi và trao lễ vật: Khi đến nhà gái, đoàn nhà trai tiến vào theo thứ tự: Trưởng họ, ông bà, cha mẹ, chú rể và đội bưng tráp. Nhà gái sẽ đứng trước cổng để đón tiếp nhà trai. Sau đó, đội bưng tráp nam sẽ trao lễ vật cho đội bưng tráp nữ của nhà gái. Kèm theo đó là phong bao lì xì "trả duyên" do hai gia đình đã chuẩn bị sẵn.
- Đại diện hai gia đình phát biểu: Đại diện nhà trai trình bày lý do đến nhà gái, giới thiệu các lễ vật mang theo và bày tỏ mong muốn chính thức kết thông gia. Đại diện nhà gái sẽ đáp lời, cảm ơn và chính thức nhận lễ vật.
- Cô dâu ra mắt hai họ: Sau phần phát biểu và trao lễ vật, cô dâu được phép xuất hiện. Cha mẹ cô dâu sẽ đưa con gái ra chào hỏi hai họ hoặc cho phép chú rể vào đón cô dâu ra. Cô dâu và chú rể thực hiện nghi thức rót trà, mời đại diện hai gia đình như một lời cảm ơn và thể hiện lòng hiếu thảo.
- Thắp hương bàn thờ tổ tiên: Một phần lễ vật từ mâm ngũ quả và lễ đen sẽ được mẹ cô dâu chọn để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Cô dâu và chú rể cùng thắp hương, cầu sự chứng giám và phù hộ từ tổ tiên nhà gái cho hôn nhân.
- Hai gia đình bàn bạc: Sau nghi thức thắp hương, hai gia đình sẽ ngồi lại để thống nhất ngày, giờ lành cho lễ rước dâu và lễ cưới chính thức.
- Kết thúc buổi lễ, nhà gái chuẩn bị mâm lại quả từ lễ vật nhà trai mang đến, trả lễ và gửi lại nhà trai như một lời cảm ơn. Buổi lễ khép lại trong không khí vui vẻ, ấm cúng.
Điều kiện kết hôn theo quy định pháp luật như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định điều kiện kết hôn như sau:
Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
....
Đồng thời, căn cứ theo điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
...
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;....
Như vậy, điều kiện kết hôn được quy định như sau:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn sau:
+ Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.