19:02 - 18/11/2024

Lao động trên 60 tuổi còn đang lao động tại doanh nghiệp có phải đóng BHXH không?

Lao động trên 60 tuổi còn lao động tại doanh nghiệp có phải đóng BHXH không? Có thể ký bao nhiêu hợp đồng lao động xác định thời hạn với NLĐ cao tuổi? Tôi thuê công nhân nước ngoài là người đã hơn 60 tuổi nhưng cô là người nước ngoài nên tôi muốn hỏi với tuổi của cô có phải tham gia BHXH không? Tôi có thể ký hợp động xác định thời hạn đối với người sử dụng lao động trong bao lâu?

Nội dung chính

    Lao động trên 60 tuổi còn lao động tại doanh nghiệp có phải đóng BHXH không? 

    Căn cứ Khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

    Bên cạnh đó, tại Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng áp dụng như sau:

    1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

    2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:

    a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

    b) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.

    3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

    4. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài.

    Bên cạnh đó, tại Điều 187 Bộ luật Lao động nay là Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tuổi nghỉ hưu như sau:

    1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

    2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

    Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

    3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    4. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Như vậy, theo quy định hiện hành thì người lao động trên 60 tuổi thuộc trường hợp là người lao động đã đến tuối nghỉ hưu Điều 169 Bộ luật Lao động 2019. Do đó, người lao động này thuộc trường hợp sẽ không thể đóng BHXH.

    Có thể ký bao nhiêu hợp đồng lao động xác định thời hạn với NLĐ cao tuổi?

    Bên cạnh đó, tại Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc sử dụng người lao động cao tuổi như sau:

    1. Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

    2. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.

    3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

    4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.

    Theo đó, đối với lao động cao tuổi thì người sử dụng lao động có thể ký nhiều (tại đây không quy định tối đa bao nhiêu hợp đồng). Do đó, bạn sẽ không bị giới hạn số lần lao động đối với người lao động là người cao tuổi. Tuy nhiên hợp đồng lao động bạn ký với lao động nước ngoài phải phù hợp với giấy phép lao động.

    8