Kiểm kê và xử lý kết quả kiểm kê tài sản tại doanh nghiệp nhà nước
Nội dung chính
Tôi đang cần tìm hiểu các quy định liên quan đến việc đầu tư vốn của Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng tài sản vốn doanh nghiệp để phục vụ cho công việc của tôi. Cho tôi hỏi: Kiểm kê và xử lý kết quả kiểm kê tài sản tại doanh nghiệp nhà nước được thực hiện như thế nào? Văn bản nào quy định về vấn đề này?
Kiểm kê và xử lý kết quả kiểm kê tài sản tại doanh nghiệp nhà nước
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 219/2015/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp thì nội dung này được quy định như sau:
1. Doanh nghiệp nhà nước phải tổ chức kiểm kê thực tế để xác định số lượng các loại tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp (kể cả cây trồng, vật nuôi, đàn gia súc); số lượng cổ phiếu doanh nghiệp nhận được mà không phải thanh toán tiền; đối chiếu các khoản công nợ phải trả, phải thu trong các trường hợp sau:
a) Thời điểm khóa sổ kế toán để lập báo cáo tài chính năm;
b) Khi thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi sở hữu;
c) Sau khi xảy ra thiên tai, địch họa; hoặc vì các nguyên nhân khác gây ra biến động tài sản của doanh nghiệp nhà nước;
d) Theo chủ trương của Nhà nước.
2. Xử lý kết quả kiểm kê:
a) Xử lý kết quả kiểm kê tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm:
- Trường hợp kết quả kiểm kê thiếu tài sản so với số tài sản đã ghi vào sổ sách kế toán nếu do nguyên nhân chủ quan của tập thể, cá nhân có liên quan gây ra thì tập thể, cá nhân gây ra phải bồi thường. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng thành viên), Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước quyết định mức bồi thường và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Giá trị tài sản bị thiếu sau khi đã được bù đắp bằng tiền bồi thường của tập thể, cá nhân (hoặc giá trị tài sản thiếu do nguyên nhân khách quan) phần còn lại (nếu có) doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Trường hợp kết quả kiểm kê thừa tài sản so với số tài sản đã ghi vào sổ sách kế toán, doanh nghiệp phải xác định rõ nguyên nhân thừa tài sản, đối với tài sản thừa không phải trả lại được hạch toán vào thu nhập khác của doanh nghiệp; đối với tài sản thừa chưa xác định rõ nguyên nhân thì hạch toán vào phải trả, phải nộp khác; trường hợp giá trị tài sản thừa đã xác định được nguyên nhân và có biên bản xử lý thì căn cứ vào quyết định xử lý để hạch toán cho phù hợp.
b) Việc xử lý kết quả kiểm kê theo quy định tại điểm b, c và d khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật đối với từng trường hợp kiểm kê cụ thể.
c) Doanh nghiệp có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản tổn thất tài sản, công nợ, trường hợp để các khoản tổn thất tài sản, công nợ không được xử lý thì Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng thành viên), Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm trước cơ quan đại diện chủ sở hữu như trường hợp báo cáo không trung thực tình hình tài chính doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vi phạm gây tổn thất tài sản của doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung tư vấn về kiểm kê và xử lý kết quả kiểm kê tài sản tại doanh nghiệp nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 219/2015/TT-BTC.