17:33 - 28/09/2024

Kết quả đánh giá việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 được quy định như thế nào?

Kết quả đánh giá việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 được quy định như thế nào và có những yếu tố nào được xem xét trong quá trình đánh giá?

Nội dung chính

    Kết quả đánh giá việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 được quy định như thế nào?

    Tại Tiểu mục 2 Mục I Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định 1294/QĐ-BYT năm 2022 có quy định về đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 như sau:

    - Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 được ban hành theo Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình tổ chức thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng, Bộ Y tế, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Chiến lược và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

    - Đánh giá các mục tiêu của Chiến lược, Việt Nam đã cơ bản đạt được các mục tiêu về giảm tình trạng thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em (giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân, suy dinh dưỡng thấp còi, tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, cơ bản khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi, cải thiện chiều cao trung bình của trẻ em và chiều cao đạt được của thanh niên, cải thiện các chỉ số thực hành về nuôi dưỡng trẻ nhỏ). Có sự khác biệt giữa các chỉ tiêu đạt được theo vùng miền, tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua không có mục tiêu cụ thể nào được đặt ra riêng cho khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn còn ở mức cao. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa đạt được các chỉ tiêu liên quan đến cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, khống chế thừa cân béo phì ở người trưởng thành và một số chỉ tiêu liên quan đến nâng cao năng lực thực hiện Chiến lược.

    - Các khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 bao gồm:

    + Cấp ủy Đảng và chính quyền ở nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là dinh dưỡng bà mẹ và trẻ nhỏ, do vậy chưa quan tâm đầu tư cho công tác dinh dưỡng, chưa coi đây là nhiệm vụ chính trị ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều địa phương vẫn chưa đưa chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thấp còi vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Vấn đề bảo đảm an ninh thực phẩm hộ gia đình và an ninh dinh dưỡng chưa được đề cập cụ thể trong các chính sách, kế hoạch phát triển, chưa có mục tiêu, giải pháp và phân bổ nguồn lực.

    + Nguồn lực tài chính cho công tác dinh dưỡng nói chung nhất là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngân sách từ trung ương cho chương trình dinh dưỡng bị cắt giảm, ngân sách địa phương chưa tăng hoặc tăng không tương xứng do thiếu nguồn lực và những cản trở về mặt cơ chế, hướng dẫn tài chính cho hoạt động dinh dưỡng. Ngân sách chưa bảo đảm để người dân được tiếp nhận các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu, chưa có bất cứ can thiệp dinh dưỡng nào được bảo hiểm y tế chi trả. Các chế phẩm chuyên biệt và sản phẩm dinh dưỡng chưa thuộc danh mục chi trả của bảo hiểm y tế. Ngoài ra, việc Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình đã tác động đến việc thu hút sự hỗ trợ quốc tế và rất khó để duy trì mức tài trợ của quốc tế cho y tế.

    + Công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động dinh dưỡng còn nhiều bất cập, chưa lồng ghép và triển khai hiệu quả các nguồn lực đầu tư của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là ở địa phương. Dinh dưỡng được coi là vấn đề sức khỏe nên các hoạt động chủ yếu là do ngành y tế đảm nhiệm, thiếu cấu trúc và điều phối liên ngành.

    + Về chính sách cho dinh dưỡng: Các quy định của pháp luật về dinh dưỡng chưa thật sự đồng bộ, cập nhật. Chính sách, kế hoạch hành động không đi kèm với cam kết về ngân sách. Thiếu cơ chế báo cáo, giám sát, đánh giá cũng như thiếu các chính sách bảo đảm sản xuất, tiêu dùng thực phẩm lành mạnh; hạn chế thực phẩm có hại cho sức khỏe đặc biệt là đối với trẻ em thông qua việc ghi nhãn dinh dưỡng, đánh thuế và hạn chế quảng cáo. Thiếu chính sách về dinh dưỡng đặc thù cho một số đối tượng dễ bị tổn thương (do tình trạng sinh lý, bệnh lý, nghề nghiệp và tình trạng khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh). Việc thực thi các chính sách hiện hành chưa mạnh mẽ mà điển hình là việc thực thi chính sách bắt buộc tăng cường vi chất vào thực phẩm, chính sách hạn chế kinh doanh và quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ còn chưa nghiêm.

    + Năng lực của mạng lưới dinh dưỡng các tuyến còn nhiều hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ năng và phương tiện cần thiết để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý. Đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng ở cả cộng đồng, trường học và trong bệnh viện còn thiếu về cả số lượng và năng lực do thiếu các quy định về phát triển nguồn nhân lực, chuẩn hóa cán bộ làm công tác dinh dưỡng. Dịch vụ y tế tuyến huyện, xã chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của người dân về dinh dưỡng. Mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng không được duy trì dẫn đến khả năng cung cấp dịch vụ thiết yếu cho người dân bị ảnh hưởng. Các nội dung dinh dưỡng chưa được cập nhật trong chương trình đào tạo của ngành y tế nên sinh viên sau khi ra trường chưa đáp ứng ngay được yêu cầu thực tế công việc.

    + Nhiều can thiệp dinh dưỡng quan trọng quyết định đến phát triển tầm vóc và thể lực của trẻ như chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời, dinh dưỡng cho bà mẹ có thai và cho con bú, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng tại các hộ gia đình, trường học, ngành nghề đặc thù và môi trường độc hại,… chỉ được triển khai trên diện hẹp, chưa tiếp cận đến đông đảo các nhóm đối tượng đích và người dân nói chung. Bên cạnh đó, các can thiệp liên quan đến dinh dưỡng như dịch vụ y tế cơ bản, nước sạch vệ sinh môi trường để tối đa hóa các lợi ích can thiệp về dinh dưỡng vẫn chưa bảo đảm được độ bao phủ cần thiết, đặc biệt là ở khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số nhóm đối tượng còn chưa được bao phủ các can thiệp dinh dưỡng đúng mức như trẻ vị thành niên, người già, người khuyết tật, bệnh nhân mắc các bệnh cấp tính hoặc mạn tính, trẻ mồ côi, trẻ bị nhiễm HIV,… Ngoài ra, các vấn đề dinh dưỡng mới nổi như dinh dưỡng trong phòng bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng khẩn cấp chưa được quan tâm đúng mức.

    + Người dân ở cả nông thôn và thành thị còn thiếu hiểu biết về dinh dưỡng hợp lý. Công tác truyền thông về dinh dưỡng còn chưa hiệu quả ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do hạn chế về cách tiếp cận, khác biệt về ngôn ngữ, trình độ văn hóa, phong tục tập quán.

    + Ngoài ra, tại Việt Nam cũng như tại các nước khác trong khu vực đã và đang chịu tác động của quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa nhanh chóng, môi trường thực phẩm thay đổi, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, già hóa dân số. Điều này đã góp phần làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo thể hiện ở điều kiện sống và tình trạng dinh dưỡng. Ngày nay, khi xu hướng tiếp cận thực phẩm ngày tăng lên thì việc tiếp cận thực phẩm và đồ uống không lành mạnh cũng tăng lên đáng kể với các cửa hàng thực phẩm, đồ uống chế biến sẵn giá rẻ có doanh số bán ngày càng tăng góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì nhất là ở các thành phố lớn. Thêm vào đó là tình trạng mất an ninh thực phẩm tại các vùng khó khăn, vùng nghèo và những nơi thường xảy ra thiên tai, bệnh dịch. Tác động của đại dịch COVID-19 từ năm 2019 đến nay cũng đã tác động tới nhiều mặt của đời sống xã hội trong đó có y tế, dinh dưỡng và hệ thống thực phẩm.

    2