Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu mắt kính, tròng kính và phôi
Nội dung chính
Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu mắt kính, tròng kính và phôi
1. Về chính sách mặt hàng.
Công ty căn cứ vào mã HS của hàng hoá nhập khẩu, đối chiếu quy định tại Phụ lục số I (Danh mục trang thiết bị y tế phải cấp giấy phép nhập khẩu) ban hành kèm theo Thông tư số 30/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015 của Bộ Y tế để thực hiện. Trường hợp hàng hoá của công ty có mã HS là 9004.90.10 – Kính mắt, kính áp tròng (cận, viễn, loạn) và dung dịch bảo quản kính áp tròng thì phải có giấy phép nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 30/2015/TT-BYT.
2. Về thuế nhập khẩu
- Căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Cục Kiểm định Hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả của Cục Kiểm định Hải quan xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.
- Do công ty không cung cấp tài liệu kỹ thuật, catalogue, hình ảnh của hàng hóa nhập khẩu nên Tổ tư vấn không thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi nêu trên.
Tuỳ thuộc vào thực tế hàng hoá nhập khẩu, công ty có thể tham khảo các phân nhóm sau:
+ Phân nhóm 90.01 - Sợi quang và bó sợi quang; cáp sợi quang trừ các loại thuộc nhóm 85.44; vật liệu phân cực dạng tấm và lá; thấu kính (kể cả thấu kính áp tròng), lăng kính, gương và các bộ phận quang học khác, bằng vật liệu bất kỳ, chưa lắp ráp, trừ loại bằng thủy tinh chưa gia công về mặt quang học.
+ Phân nhóm 90.04 - Kính đeo, kính bảo hộ và các loại tương tự, kính thuốc, kính bảo vệ mắt hoặc loại khác.
- Khi phân loại hàng hóa cần tham khảo các quy định sau:
+ Sáu (6) quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá (HS) của Tổ chức Hải quan thế giới ban hành kèm Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01/07/2015 của Bộ Tài chính.
+ Thông tư 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân tích phân loại hàng hóa.
+ Chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa của Hội đồng hợp tác Hải quan Thế giới.
- Để xác định chính xác mã số HS, trước khi làm thủ tục hải quan, công ty có thể đề nghị xác định trước theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
Công ty căn cứ vào mã HS của hàng hoá thực tế nhập khẩu để tra cứu thuế suất thuế nhập khẩu tại Biểu Thuế xuất nhập nhập khẩu ưu đãi 2016 ban hành theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ.
3. Địa điểm làm thủ tục hải quan
Căn cứ điểm b và điểm c khoản 1 điều 19 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 19. Đăng ký tờ khai hải quan
1. Địa điểm đăng ký tờ khai hải quan
…b) Hàng hóa nhập khẩu được đăng ký tờ khai tại trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi quản lý địa điểm lưu giữ hàng hóa, cảng đích ghi trên vận tải đơn, hợp đồng vận chuyển hoặc Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi doanh nghiệp có trụ sở hoặc nơi hàng hóa được chuyển đến;
c) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo các loại hình một số loại hình cụ thể thì địa điểm đăng ký tờ khai thực hiện theo từng loại hình tương ứng quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này”.
Như vậy, tuỳ thuộc vào loại hình nhập khẩu của hàng hoá hoặc loại hình hoạt động của công để lựa chọn địa điểm làm đăng ký tờ khai phù hợp:
+ Trường hợp hàng hoá nhập khẩu để gia công cho thương nhân nước ngoài; hàng hoá là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu; hàng hoá nhập khẩu của DNCX thì địa điểm đăng ký tờ khai hải quan thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 58 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015.
+ Trường hợp công ty không phải là DNCX và nhập khẩu hàng hoá theo loại hình kinh doanh (A12) thì được lựa chọn địa điểm đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan thuận tiện.