23:46 - 11/12/2024

Hành vi nào bị cấm khi giải thể hợp tác xã?

Hành vi nào bị cấm khi giải thể hợp tác xã? Tẩu tán tài sản khi hợp tác xã giải thể theo quyết định của Toà án thì bị phạt bao nhiêu năm tù?

Nội dung chính

    Hành vi nào bị cấm khi giải thể hợp tác xã?

    Căn cứ Điều 100 Luật Hợp tác xã 2023 quy định như sau:

    Các hành vi bị cấm khi giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
    1. Kể từ khi có nghị quyết giải thể, quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc quyết định giải thể của Tòa án, người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên khác của Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị cấm thực hiện các hành vi sau đây:
    a) Cất giấu, tẩu tán tài sản;
    b) Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;
    c) Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
    d) Ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp để thực hiện giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
    đ) Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;
    e) Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;
    g) Huy động vốn dưới mọi hình thức.
    2. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, khi giải thể hợp tác xã thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị cấm thực hiện các hành vi sau đây:

    - Cất giấu, tẩu tán tài sản;

    - Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;

    - Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

    - Ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp để thực hiện giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

    - Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;

    - Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;

    - Huy động vốn dưới mọi hình thức.

    >> Xem thêm: Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản những hoạt động nào của doanh nghiệp, hợp tác xã bị cấm?

    Hành vi nào bị cấm khi giải thể hợp tác xã?

    Hành vi nào bị cấm khi giải thể hợp tác xã? (Hình từ Internet)

    Hợp tác xã giải thể khi nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 97 Luật Hợp tác xã 2023 quy định các trường hợp giải thể hợp tác xã bao gồm:

    - Giải thể tự nguyện theo nghị quyết Đại hội thành viên;

    - Giải thể bắt buộc theo quyết định của Toà án hoặc khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, trừ trường hợp luật khác có quy định khác.

    Tẩu tán tài sản khi hợp tác xã giải thể theo quyết định của Toà án thì bị phạt bao nhiêu năm tù?

    Căn cứ Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội không chấp hành án như sau:

    Tội không chấp hành án
    1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
    a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
    b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
    c) Tẩu tán tài sản.
    3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Như vậy, người nào có hành vi tẩu tán tài sản khi hợp tác xã giải thể theo quyết định của Toà án thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội không chấp hành án.

    Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Bên cạnh đó người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Nghị quyết giải thể hợp tác xã tự nguyện phải có những thông tin nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 98 Luật Hợp tác xã 2023 quy định về nghị quyết giải thể hợp tác xã tự nguyện phải có những thông tin sau:

    - Tên, địa chỉ trụ sở chính của hợp tác xã;

    - Lý do giải thể;

    - Thời hạn và thủ tục bàn giao tài sản chung không chia, quỹ chung không chia;

    - Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ, phương án giải quyết nợ. Phương án giải quyết nợ phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán nợ; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ;

    - Phương án xử lý nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động.

    Lưu ý: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua nghị quyết, người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã gửi nghị quyết giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh, Ủy ban nhân dân nơi cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, cơ quan thuế, người lao động trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Niêm yết công khai nghị quyết giải thể tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Trường hợp còn nghĩa vụ tài chính chưa giải quyết thì phải gửi nghị quyết giải thể đến các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích có liên quan.

    75
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ