10:09 - 08/01/2025

Giảm tối thiểu 20% công chức viên chức khi tinh gọn bộ máy (Công văn 31)

Giảm tối thiểu 20% công chức viên chức hưởng lương từ ngân sách là nội dung tại Công văn 31 về thực hiện Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Nội dung chính

    Giảm tối thiểu 20% công chức viên chức khi tinh gọn bộ máy

    Ngày 04/01/2025, Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Chính phủ có Công văn 31/CV-BCĐTKNQ18 về việc thực hiện Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

    Giảm 20% công chức viên chức khi tinh gọn bộ máy

    Theo đó, thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giảm biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương tại Kết luận số 09-KL/TW ngày 24/11/2024; căn cứ Thông báo số 49-TB/TW ngày 26/12/2024 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Để tổ chức triển khai thực hiện chính sách có hiệu quả, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các Bộ, Ban, Ngành và các địa phương triển khai các nhiệm vụ sau:

    - Tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang, nhất là những người bị tác động, ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy phát huy tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích chung, hy sinh lợi ích cá nhân (nếu có) để thực hiện chủ trương của Đảng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

    Kịp thời khen thưởng, động viên đối với các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giảm biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

    - Khẩn trương xây dựng và ban hành các tiêu chí cụ thể cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình và thực tiễn của Bộ, Ban, Ngành và địa phương gắn với đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm quản lý quyết định đối tượng phải nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để giảm biên chế theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ, Ban, Ngành và địa phương phù hợp với lộ trình thực hiện chính sách quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP), bảo đảm không làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao.

    - Định kỳ thứ 4 hàng tuần, báo cáo kết quả thực hiện và kịp thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn (nếu có) gửi về Bộ Nội vụ (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ) để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

    Như vậy, sẽ giảm tối thiểu 20% công chức viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để giảm biên chế theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ, Ban, Ngành và địa phương phù hợp với lộ trình thực hiện chính sách quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.

    Mục tiêu tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18

    Căn cứ Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu tinh gọn bộ máy Nhà nước, cụ thể như sau:

    + Mục tiêu tổng quát

    - Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng;

    - Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội;

    - Phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

    - Giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.

    + Mục tiêu cụ thể

    - Đến năm 2021:

    (1) Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để kịp thời khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý;

    (2) Thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần làm rõ về lý luận và thực tiễn;

    (3) Sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố;

    (4) Giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015.

    - Từ năm 2021 đến năm 2030:

    (1) Hoàn thành việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới; giảm biên chế;

    (2) Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị;

    (3) Tiếp tục cụ thể hoá, thể chế hoá chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

    (4) Phân định rõ và tổ chức thực hiện mô hình chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;

    (5) Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định.

    - Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập từ nay đến năm 2030: Thực hiện có hiệu quả theo lộ trình, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập".

    102