Ép người khác uống rượu bia bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Nội dung chính
Ép người khác uống rượu bia có bị xử phạt không?
Hành vi ép người khác uống rượu bia, đặc biệt trong những tình huống như ép buộc đồng nghiệp, bạn bè hoặc người thân tham gia uống bia rượu mà họ không muốn, có thể dẫn đến hậu quả xấu về mặt quan hệ xã hội, gây mâu thuẫn, bạo lực, hoặc tổn thương tinh thần cho người bị ép.
Hành vi này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường làm việc hoặc gia đình, gây tổn thương về mặt tinh thần và có thể bị xã hội lên án.
Ép buộc người khác uống rượu bia đã có quy định cụ thể được ban hành tại Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
7. Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
8. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.
9. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
10. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.
11. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
12. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.
13. Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.
Như vậy, hành vi ép buộc người khác uống rượu bia thuộc hành vi bị nghiêm cấm và có thể bị xử phạt hành chính theo pháp luật. Nếu hành vi này liên quan đến trẻ em hoặc gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý theo pháp luật nghiêm ngặt hơn.
Ép người khác uống rượu bia bị xử phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Ép người khác uống rượu bia bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019, hành vi ép buộc người khác uống rượu bia tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, cụ thể:
Vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia
...
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
...
b) Ép buộc người khác uống rượu bia.
Theo đó, hành vi ép buộc người khác uống rượu bia có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm.
Ngoài ra, đối với hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Chủ tịch UBND có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia?
Về thẩm quyền xử phạt, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 112 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh như sau:
Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 103 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
...
Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 103 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS, bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và thiết bị y tế;
…
Như vậy, Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với người có hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia.