Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm sẽ được quyền phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trên vùng biển đảo và thềm lục địa Việt Nam?
Nội dung chính
Từ ngày 22/7/2022, Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm sẽ có quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trên vùng biển đảo và thềm lục địa Việt Nam?
Căn cứ vào khoản 21 Điều 3 Nghị định 37/2022/NĐ-CP đã có những thay đổi về thẩm quyền xử phạt hành chính của Bộ đội biên phòng đối với hành vi vi phạm hành chính trên vùng biển đảo và thềm lục địa Việt Nam như sau:
“Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 162/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 23/2017/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2017) của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
…
21. Sửa đổi, bổ sung Điều 29 như sau:
“Điều 29. Thẩm quyền xử phạt của Bộ đội Biên phòng
Bộ đội Biên phòng có quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này thuộc lĩnh vực, phạm vi địa bàn quản lý của mình như sau:
1. Trạm trưởng, Đội trưởng của Chiến sĩ Biên phòng đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng.
2. Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
3. Đồn trưởng Đồn Biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội Biên phòng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và tại các khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 4 Nghị định này.
4. Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 200.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm c, điểm d và điểm i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và tại các khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 4 Nghị định này.
5. Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh; Hải đoàn trưởng Hải đoàn Biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm c, điểm d và điểm i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và tại các khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 4 Nghị định này.”."
Theo đó, từ ngày 22/7/2022 thì lực lượng Bộ đội Biên phòng sẽ có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trên vùng biển đảo và thềm lục địa Việt Nam theo quy định được nêu trên.
Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm sẽ được quyền phạt tiền đến 10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trên vùng biển đảo và thềm lục địa Việt Nam?
Thẩm quyền xử phạt của Bộ đội Biên phòng trong việc xử phạt hành vi vi phạm hành chính trên vùng biển đảo và thềm lục địa hiện nay?
Căn cứ theo Điều 29 Nghị định 162/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 23/2017/NĐ-CP) quy định như sau:
“Điều 29. Thẩm quyền xử phạt của Bộ đội Biên phòng
Bộ đội Biên phòng có quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này thuộc lĩnh vực, phạm vi địa bàn quản lý của mình như sau:
1. Trạm trưởng, Đội trưởng của Chiến sĩ Biên phòng đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng.
2. Đồn trưởng Đồn Biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội Biên phòng, Chỉ huy trưởng Tiểu khu Biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 25.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 2, khoản 4, khoản 5 Điều 4 Nghị định này.
3. Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Hải đoàn Biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, c, đ, i khoản 1 Điều 2.8 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 2, 3, 4, 5 Điều 4 Nghị định này.”
Như vậy, thẩm quyền xử phạt hành chính đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng trên vùng biển đảo và thềm lục địa nước ta hiện nay được thực hiện theo quy định trên.
Trường hợp đối tượng vi phạm là cá nhân hoặc tổ chức thì áp dụng thẩm quyền xử phạt như thế nào?
Căn cứ vào khoản 3 Điều 3 Nghị định 162/2013/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 3. Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền
…
3. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân; thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần đối với cá nhân.”
Như vậy, thẩm quyền xử phạt hành chính được áp dụng theo các quy định trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt sẽ được tăng gấp đôi.
Nghị định 37/2022/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 22/7/2022.