Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người lao động có được chốt sổ bảo hiểm xã hội hay không?
Nội dung chính
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, người lao động có được chốt sổ bảo hiểm xã hội hay không?
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng theo khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.
- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Như vậy, theo quy định trên, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm trong việc hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu doanh nghiệp đã giữ của người lao động.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người lao động có được chốt sổ bảo hiểm xã hội hay không? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp bị xử phạt bao nhiêu khi không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động?
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động của doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
...
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Sửa đổi thời hạn của hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động; không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền cho người lao động theo quy định của pháp luật khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; không cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Như vậy, theo quy định trên, mức xử phạt đối với việc doanh nghiệp không hoàn thành thủ tục chốt sổ BHXH cho người lao động sẽ tùy thuộc vào số lượng người lao động chưa được chốt sổ BHXH.
* Lưu ý: Mức xử phạt trên áp dụng đối với cá nhân, mức xử phạt đối với tổ chức gấp 2 lần mức xử phạt đối với cá nhân.
Theo đó, căn cứ vào số lượng người lao động bị vi phạm để xác định mức xử phạt phù hợp theo các quy định trên.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động:
- Buộc Doanh nghiệp phải hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động có được chốt sổ bảo hiểm xã hội không?
Tại Điều 46 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 72 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH 2020 quy định như sau:
Nội dung ghi trên sổ BHXH và gộp sổ BHXH
Nội dung ghi trên sổ BHXH và gộp sổ BHXH đối với một người có từ 2 sổ BHXH trở lên được quản lý theo Điều 33b.
1. Ghi, xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trong sổ BHXH
1.1. Nội dung ghi trong sổ BHXH phải đầy đủ theo từng giai đoạn tương ứng với mức đóng và điều kiện làm việc của người tham gia BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN (kể cả thời gian người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng như nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản; nghỉ việc không hưởng tiền lương; tạm hoãn HĐLĐ).
1.2. Đối với đơn vị chậm đóng tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn chậm đóng thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
Như vậy, người lao động vẫn được chốt sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp doanh nghiệp chậm đóng, tuy nhiên, chỉ chốt sổ đến thời điểm doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, sau khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi đủ tiền doanh nghiệp còn chậm đóng thì cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung trên sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.