15:22 - 13/11/2024

Đòi lại số tiền đặt cọc sau khi đã gia hạn hợp đồng đặt cọc

Hỏi đáp về đòi lại số tiền đặt cọc sau khi đã gia hạn hợp đồng đặt cọc

Nội dung chính

    Ba mẹ em có một người con chung là em. Mẹ em có một người con riêng khác nữa. Ba mẹ em đã viết giấy đặt cọc tiền để mua căn nhà, khi nào có giấy hoàn công, đồng sở hữu thì sẽ trả hết (thời gian là 10 tháng). Trong thời gian đặt cọc thì ba em mất. Sau khi hết thời hạn, bên bán nhà xin thêm 07 tháng nữa để tiếp tục hoàn tất giấy tờ (có sự chứng kiến của tổ trưởng), nếu không được thì bên bán sẽ trả lại tiền đặt cọc và trả thêm tiền lãi suất ngân hàng. 1. Nếu trong khoảng thời gian 07 tháng đó bên bán nhà chưa có đủ giấy tờ thì có phải trả lại số tiền đã nhận cọc cho mẹ em không? 2. Nếu không trả tiền thì mẹ em có thể kiện ra tòa và có khả năng thắng kiện không? 3. Nếu mẹ em lấy được tiền thì theo luật thừa kế em có được hưởng ¼ tài sản căn nhà do ba em để lại không? Hay đợi mẹ em mua một căn nhà khác, số tiền còn lại mới được chia.

    Đòi lại số tiền đặt cọc sau khi đã gia hạn hợp đồng đặt cọc

    1. Việc đòi lại tiền đặt cọc trong thời gian 07 tháng gia hạn

    Hợp đồng đặt cọc được quy định tại Ðiều 358 Bộ luật Dân sự 2005: Ðặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự. Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.

    Như vậy, pháp luật đã quy định hình thức của hợp đồng phải lập thành văn bản. Do đó, căn cứ Khoản 2 Điều 423 Bộ luật Dân sự thì khi sửa đổi, bổ sung hợp đồng, các bên cũng phải lập thành văn bản.

    Theo quy định nêu trên thì khi gia hạn thời hạn đặt cọc là 07 tháng thì mẹ bạn và bên nhận đặt cọc phải lập thành văn bản. Vì bạn không nêu rõ trong câu hỏi nên có hai khả năng như sau:

    - Việc gia hạn không lập thành văn bản: Nếu chỉ là sự giao kết miệng và có sự chứng kiến của ông tổ trưởng thì việc gia hạn chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; giữa hai bên coi như chưa có thỏa thuận gia hạn này. Do vậy, gia đình bạn có thể yêu cầu bên nhận đặt cọc hoàn lại số tiền đặt cọc do đã không thực hiện đúng cam kết ghi trong hợp đồng đặt cọc ban đầu.

    - Việc gia hạn được lập thành văn bản: Gia đình bạn phải chờ đến hết 07 tháng gia hạn hợp đồng. Nếu bên nhận đặt cọc không thực hiện đúng cam kết thì phải hoàn lại số tiền đã nhận đặt cọc theo thỏa thuận. Nếu bên kia đã hoàn thành hồ sơ, giấy tờ (có thể hoàn thành sớm hơn) thì hai bên có thể giao kết hợp đồng mua bán nhà. Trường hợp gia đình bạn không muốn chờ thêm 07 tháng hoặc không muốn giao kết hợp đồng khi bên kia đã đầy đủ hồ sơ, giấy tờ thì gia đình bạn phải thỏa thuận với bên kia; hoặc sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng và có thể không đòi lại được số tiền đã đặt cọc.

    2. Khởi kiện ra tòa nếu bên kia không trả tiền

    Trong trường hợp, bên kia chưa có nghĩa vụ trả tiền (do chưa hết thời hạn đặt cọc) hoặc họ đã hoàn thành nghĩa vụ cam kết theo hợp đồng đặt cọc thì gia đình bạn không có quyền khởi kiện yêu cầu họ trả lại tiền, trừ trường hợp chứng minh được họ đã vi phạm hợp đồng đặt cọc.

    Trường hợp hết thời hạn mà bên nhận đặt cọc chưa hoàn tất hồ sơ, giấy tờ cần thiết thì gia đình bạn có quyền yêu cầu họ trả lại số tiền đã đặt cọc và số tiền lãi theo đúng thỏa thuận ghi trong hợp đồng đặt cọc. Nếu bên nhận đặt cọc không trả lại số tiền như đã cam kết thì gia đình bạn có thể khởi kiện ra tòa. Nhưng việc khởi kiện ra tòa chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian và chi phí nên trước hết, hai bên nên tự thương lượng, thỏa thuận để giải quyết được vụ việc.

    Nếu buộc phải khởi kiện ra tòa thì gia đình bạn có thể gửi đơn đến tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết. Nội dung đơn phải nêu rõ theo Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi năm 2011:

    - Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

    - Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

    - Tên, địa chỉ của người khởi kiện;

    - Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;

    - Tên, địa chỉ của người bị kiện;

    - Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;

    - Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

    - Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.

    Nếu có đầy đủ căn cứ chứng minh việc bên nhận đặt cọc đã vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đặt cọc thì tòa án sẽ tuyên bố bên nhận đặt cọc phải trả lại số tiền cho gia đình bạn theo như thỏa thuận của các bên.

    3. Việc chia thừa kế

    Với thông tin mà bạn cung cấp thì không rõ di sản thừa kế của ba bạn để lại là gì: là tiền? hay là ngôi nhà? Tuy nhiên, dù là tiền hay là ngôi nhà thì bạn cũng cần xác định rõ: di sản mà bố bạn để lại là toàn bộ ngôi nhà, toàn bộ số tiền đó hay chỉ là một phần quyền sở hữu ngôi nhà, một phần số tiền trong khối tài sản chung của ba mẹ bạn.

    Sau khi đã xác định được phần tài sản mà ba bạn để lại thì bạn và các đồng thừa kế khác có thể chia di sản thừa kế. Các thừa kế được xác định theo di chúc hoặc theo pháp luật. Nếu ba bạn không để lại di chúc thì những người thừa kế được xác định theo Điều 676 Bộ luật Dân sự:

    + Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

    + Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

    + Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

    Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

    Đối chiếu với quy định trên thì người thừa kế của ba bạn gồm: mẹ bạn, bạn, và những người thừa kế khác nếu có (bố mẹ của ba bạn …). Người con riêng của mẹ bạn sẽ không được hưởng di sản thừa kế của ba bạn trừ trường hợp giữa ba bạn và người đó có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con (Điều 679 Bộ luật Dân sự).

    * Việc bạn có được hưởng ¼ giá trị căn nhà hay không thì có thể có khả năng như sau:

    - Nếu tài sản của ba bạn để lại là toàn bộ ngôi nhà và những người thừa kế của ông chỉ có mẹ và bạn thì: bạn được hưởng ½ di sản do ba bạn để lại, tức là ½ giá trị căn nhà.

    - Nếu tài sản của ba bạn để lại là một phần quyền sở hữu ngôi nhà trong khối tài sản chung của ba mẹ bạn và những người thừa kế của ông chỉ có mẹ và bạn thì: bạn được hưởng ½ di sản do ba bạn để lại, tức là 1/4 giá trị căn nhà (Việc xác định ¼ giá trị căn nhà chỉ là tương đối vì mẹ và bạn có thể tự thỏa thuận cụ thể hoặc nếu yêu cầu tòa án chia di sản thừa kế thì tòa án có thể sẽ căn cứ vào công sức đóng góp của ba mẹ bạn để chia xác định phần sở hữu của mỗi người được hưởng).

    * Việc đợi mẹ bạn mua một căn nhà khác rồi chia thừa kế số tiền còn lại.

    Nếu di sản mà ba bạn để lại là một số tiền thì bạn nên yêu cầu chia di sản thừa kế luôn. Vì nếu mẹ bạn dùng số tiền đó để mua nhà thì sẽ khó chứng minh được việc mẹ bạn đã dùng số tiền do ba bạn để mua ngôi nhà. Do vậy, bạn rất khó để đòi quyền lợi của mình đối với di sản mà ba bạn để lại.

    291
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ