15:38 - 25/09/2024

Cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận tố giác tội phạm?

Cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận tố giác tội phạm? Tổ chức tiếp nhận đơn tố giác tội phạm được quy định như thế nào? Khi nào không tố giác tội phạm thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Nội dung chính


    Cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận tố giác tội phạm?

    Căn cứ tại khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định về cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm như sau:

    Trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

    1. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:

    a) Cơ quan điều tra;

    b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

    c) Viện kiểm sát các cấp;

    d) Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

    ...

    Như vậy, khi có được thông tin về tội phạm, bất kì ai cũng có thể đến một trong các cơ quan sau: để tố giác:

    - Cơ quan điều tra;

    - Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

    - Viện kiểm sát các cấp;

    - Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an;

    - Tòa án các cấp;

    - Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác

    Cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận tố giác tội phạm? (Hình từ Internet)

    Tổ chức tiếp nhận đơn tố giác tội phạm được quy định như thế nào?

    Căn cứ tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định về tổ chức nơi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:

    Tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

    1. Cơ quan điều tra phải tổ chức trực ban hình sự 24/24 giờ, Viện kiểm sát các cấp phải tổ chức trực nghiệp vụ 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (kể cả tin báo về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng); phân loại và chuyển ngay cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Địa điểm tiếp nhận phải đặt ở nơi thuận tiện, có biển ghi tên cơ quan và thông báo rộng rãi để mọi người biết.

    Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an phải bố trí cán bộ trực để tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

    Các cơ quan, tổ chức khác khi có tố giác, tin báo về tội phạm thì phải phân công người tiếp nhận.

    2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận. Nếu cá nhân trực tiếp đến tố giác về tội phạm hoặc đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến báo tin về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận. Có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.

    Trường hợp người phạm tội đến tự thú, đầu thú thì thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 152 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

    Như vậy, để đảm bảo việc tiếp nhận tin báo tố giác được nhanh chóng, hiệu quả thì các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tin báo tố giác phải thực hiện như sau:

    - Có người trực ban và tổ chức nghiệp vụ 24/24;

    - Phân loại và chuyển ngay thông tin cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết;

    - Địa điểm tiếp nhận phải đặt ở nơi dễ tìm thấy, có biển ghi tên cơ quan;

    - Ghi nhận lại tin báo tội phạm, tố giác theo đúng quy định.

    Khi nào không tố giác tội phạm thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

    Căn cứ khoản 2 Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định không tội giác tội phạm:

    Không tố giác tội phạm

    ...

    2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

    3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.

    Như vậy, người có hành vi không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì không phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    Ngoài ra, người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự.

    Tuy nhiên, những đối tượng trên vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi không tố giác người phạm tội phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng và các tội sau:

    (1) Tội phản bội Tổ quốc

    (2) Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

    (3) Tội gián điệp

    (4) Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ

    (5) Tội bạo loạn

    (6) Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân

    (7) Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

    (8) Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội

    (9) Tội phá hoại chính sách đoàn kết

    (10) Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

    (11) Tội phá rối an ninh

    (12) Tội chống phá cơ sở giam giữ

    (13) Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân

    (14) Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân

     

    1