16:13 - 25/09/2024

Có được phép ép buộc con cái phải theo tôn giáo của cha mẹ?

Có được phép ép buộc con cái phải theo tôn giáo của cha mẹ? Có bắt buộc hai vợ chồng phải có cùng tôn giáo với nhau không? Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người được quy định như thế nào?
Em năm nay 20 tuổi, là sinh viên năm 3 tại một trường đại học. Từ nhỏ đến lớn, em không tham gia sinh hoạt tôn giáo cùng ba mẹ. Gần đây, ba mẹ ép buộc em phải đi sinh hoạt tôn giáo, tham gia các hoạt động trong tôn giáo cùng ba mẹ. Khi em có thái độ phản kháng thì ba mẹ dọa sẽ từ mặt em. Anh chị cho em hỏi pháp luật có bắt buộc con cái phải theo tôn giáo của ba mẹ hay không?

Nội dung chính

    Có được phép ép buộc con cái phải theo tôn giáo của cha mẹ?

    Tại Điều 5 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 có quy định các hành vi bị cấm trong tôn giáo như sau:

    1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

    2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

    3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

    4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:

    a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

    b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

    c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

    d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

    5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

    Căn cứ theo quy định hiện hành, hành vi ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo được xem là vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, cha mẹ không được phép ép buộc con cái theo tôn giáo của mình.

    Có bắt buộc hai vợ chồng phải có cùng tôn giáo với nhau không?

    Tại Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình như sau:

    1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

    2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

    3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

    4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

    5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.

    Bên cạnh đó, Điều 22 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng có quy định:

    Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.

    Theo đó, pháp luật không bắt buộc hai vợ chồng phải có cùng tôn giáo với nhau. Vợ chồng phải có nghĩa vụ tôn trọng tôn giáo của nhau.

    Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người được quy định như thế nào?

    Tại Điều 6 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 có quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người như sau:

    1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

    2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.

    3. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

    4. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

    5. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

    6. Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm thực hiện các quyền quy định tại khoản 5 Điều này.

    Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người được thực hiện theo quy định trên.

    Trân trọng!

    1
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ