14:21 - 09/11/2024

Có bắt buộc phải có giấy khám sức khỏe khi nhận người lao động 13 tuổi không?

Có bắt buộc phải có giấy khám sức khỏe khi nhận người lao động 13 tuổi không? Nhận người lao động 13 tuổi không có giấy khám sức khỏe bị phạt bao nhiêu tiền? Điều kiện để nhận người lao động 13 tuổi làm việc là gì? Tôi mở quán cafe để kinh doanh mua bán. Tôi tuyển nhân viên để phục vụ bưng bê. Tôi có nhận một bạn 13 tuổi để phục vụ quán. Theo tôi được biết, khi nhận nhân viên 13 tuổi phải có giấy khám sức khỏe của nhân viên đó. Luật sư cho tôi hỏi, có bắt buộc phải có giấy khám sức khỏe khi nhận người lao động 13 tuổi không? Nhận người lao động 13 tuổi không có giấy khám sức khỏe bị phạt bao nhiêu tiền?

Nội dung chính

    Có bắt buộc phải có giấy khám sức khỏe khi nhận người lao động 13 tuổi không?

    1. Có bắt buộc phải có giấy khám sức khỏe khi nhận người lao động 13 tuổi không?

    Tại Khoản 1 Điều 145 Bộ luật Lao động 2019 quy định về sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc như sau:

    1. Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải tuân theo quy định sau đây:

    a) Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;

    b) Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi;

    c) Phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong 06 tháng;

    d) Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.

    Như vậy, khi bạn nhận người lao động 13 tuổi làm việc phục vụ quán cafe của bạn thì bạn bắt buộc phải có giấy khám sức khỏe của người lao động do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận.

    2. Nhận người lao động 13 tuổi không có giấy khám sức khỏe bị phạt bao nhiêu tiền?

    Tại Khoản 2 Điều 29 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về lao động chưa thành niên như sau:

    2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

    a) Sử dụng lao động chưa thành niên mà chưa có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên đó;

    b) Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc mà: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; bố trí thời giờ làm việc ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi; không có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc; không tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần trong 06 tháng hoặc không bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi;

    c) Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại Điều 146 của Bộ luật Lao động;

    d) Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm;

    đ) Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm trong những nghề, công việc không được pháp luật cho phép.

    Theo đó, nếu bạn không có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người người lao động 13 tuổi thì bạn sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng theo quy định của pháp luật.

    3. Điều kiện để nhận người lao động 13 tuổi làm việc là gì?

    Tại Điều 3 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH quy định về điều kiện sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc như sau:

    Người sử dụng lao động phải tuân thủ Điều 145 của Bộ luật Lao động khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, với các quy định cụ thể sau:

    1. Giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

    2. Bố trí thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Lao động. Người chưa đủ 15 tuổi vừa làm việc vừa học tập hoặc có nhu cầu học tập thì việc bố trí thời giờ làm việc phải bảo đảm không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi.

    3. Bố trí các đợt nghỉ giải lao cho người chưa đủ 15 tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật Lao động.

    4. Tuân thủ quy định về khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Lao động và Luật An toàn, vệ sinh lao động.

    5. Chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm công việc nhẹ khi công việc đó đáp ứng các điều kiện sau:

    a) Là công việc có trong danh mục quy định tại Điều 8 của Thông tư này;

    b) Nơi làm việc không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Lao động và khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.

    6. Không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

    Trên đây là quy định của pháp luật về điều kiện để người sử dụng lao động nhận người lao động 13 tuổi làm việc.

    Trân trọng!

    317
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ