Chuyến bay chuyên cơ là gì? Tàu bay thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam phải đáp ứng những tiêu chí nào?
Nội dung chính
Chuyến bay chuyên cơ là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 96/2021/NĐ-CP về chuyến bay chuyên cơ được hiểu là chuyến bay sử dụng tàu bay riêng biệt chở một trong những đối tượng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo theo quy định của Nghị định 96/2021/NĐ-CP.
Đồng thời, Thông báo chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam là văn bản của cơ quan có thẩm quyền được quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định 96/2021/NĐ-CP đặt hàng, giao nhiệm vụ bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang cho các cơ quan, đơn vị được quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 96/2021/NĐ-CP.
Chuyến bay chuyên cơ là gì? Tàu bay thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam phải đáp ứng những tiêu chí nào? (Hình từ Internet)
Đối tượng được phục vụ chuyến bay chuyên cơ là những đối tượng nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 96/2021/NĐ-CP về đối tượng được phục vụ trên chuyến bay chuyên gồm:
- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
- Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Đối tượng được quy định tại Điều 8 Nghị định 96/2021/NĐ-CP.
Tàu bay thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam phải đáp ứng những tiêu chí nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 25/2022/TT-BGTVT về tiêu chuẩn của tàu bay chuyên cơ như sau:
Tiêu chuẩn đối với tàu bay thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam
1. Được đăng ký mang quốc tịch Việt Nam và được khai thác bởi hãng hàng không của Việt Nam đáp ứng quy định tại Điều 4 của Thông tư này.
2. Thuộc loại tàu bay có hai động cơ trở lên.
3. Tại thời điểm thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:
a) Đối với các hệ thống trọng yếu của tàu bay bao gồm hệ thống tạo lực đẩy, hệ thống nguồn điện, báo và dập cháy, thủy lực và điều khiển tàu bay không có hỏng hóc lặp lại (hỏng hóc tương tự trong khoảng thời gian 03 ngày khai thác hoặc 07 chuyến bay liên tục trên cùng một hệ thống hoặc một thiết bị) hoặc hỏng hóc chưa được khắc phục triệt để hoặc hỏng hóc được phép trì hoãn theo tài liệu danh mục thiết bị tối thiểu (MEL) hoặc thông báo hỏng hóc ngoại trừ các thông báo hỏng hóc mà theo ý kiến của nhà sản xuất là báo giả hoặc không yêu cầu thực hiện khắc phục;
b) Đối với các hệ thống khác của tàu bay, trong trường hợp áp dụng trì hoãn hỏng hóc theo tài liệu khai thác, bảo dưỡng yêu cầu phải bảo đảm tính dự phòng cần thiết để tàu bay có thể tiếp tục thực hiện chuyến bay nếu tiếp tục có hỏng hóc phát sinh trên các hệ thống này trong quá trình thực hiện chuyến bay chuyên cơ;
c) Có đầy đủ thiết bị khẩn nguy, an toàn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động.
4. Đối với các thiết bị có thọ mệnh trên thân tàu bay, thời hạn hoạt động còn lại của thiết bị không nhỏ hơn 1000 lần cất, hạ cánh hoặc 10% tổng thọ mệnh (theo thời gian, theo giờ bay hoặc số lần cất, hạ cánh do nhà chế tạo quy định) tính theo thời hạn nào đến sau.
5. Có tối thiểu 02 chỗ nằm nghỉ hoặc ghế ngồi tiện lợi cho nhu cầu nghỉ ngơi của khách chuyên cơ khi chuyến bay kéo dài từ 04 giờ trở lên.
6. Có cấu hình đáp ứng được các yêu cầu về nghi lễ ngoại giao khi có yêu cầu.
7. Được người đứng đầu hãng hàng không thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam quyết định bằng văn bản cho tàu bay của hãng được thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam.
Trong đó, hãng hàng không thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam phải đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Điều 4 Thông tư 25/2022/TT-BGTVT:
- Có giấy chứng nhận người khai thác tàu bay còn hiệu lực do Cục Hàng không Việt Nam cấp; có năng lực và phạm vi hoạt động được phê chuẩn trong giấy chứng nhận phù hợp với nhiệm vụ chuyên cơ được phân công.
- Có thời gian hoạt động khai thác tàu bay thương mại tối thiểu là 05 năm; có chương trình quản lý an toàn, chương trình độ tin cậy đối với việc khai thác và bảo đảm kỹ thuật tàu bay đáp ứng đầy đủ và toàn diện các yêu cầu về an toàn hàng không quy định tại Thông tư 01/2011/TT-BGTVT ngày 27/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.
Đồng thời, tại thời điểm tàu bay chuyên cơ thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu không hỏng hóc, đảm bảo dự phòng các trường hợp có thể xảy ra và đảm bảo đầy đủ các thiết bị khẩn nguy, an toàn đã ở trạng thái sẵn sàng hoạt động.