Chồng không ký vào biên bản hòa giải thì buổi hòa giải đó có được công nhận không?
Nội dung chính
Chồng không ký vào biên bản hòa giải thì buổi hòa giải đó có được công nhận không?
Căn cứ Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định hòa giải tại Tòa án như sau:
Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Tại Điều 211 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải như sau:
1. Thư ký Tòa án phải lập biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và biên bản về việc hòa giải.
2. Biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm tiến hành phiên họp;
b) Địa điểm tiến hành phiên họp;
c) Thành phần tham gia phiên họp;
d) Ý kiến của các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự về các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 210 của Bộ luật này;
đ) Các nội dung khác;
e) Quyết định của Tòa án về việc chấp nhận, không chấp nhận các yêu cầu của đương sự.
3. Biên bản về việc hòa giải phải có các nội dung chính sau đây:
a) Các nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này;
b) Ý kiến của các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự;
c) Những nội dung đã được các đương sự thống nhất, không thống nhất.
4. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia phiên họp, chữ ký của Thư ký Tòa án ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên họp. Những người tham gia phiên họp có quyền được xem biên bản ngay sau khi kết thúc phiên họp, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản và ký xác nhận hoặc điểm chỉ.
5. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải.
Như vậy, theo quy định trên thì biên bản hòa giải phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia phiên họp. Trường hợp này chồng của bạn không chịu ký thì biên bản hòa giải ngày hôm đó coi như không có giá trị pháp lý. Bởi vì biên bản hòa giải không có giá trị pháp lý nên bạn có thể sẽ được Tòa mời đi giải hòa lại lần nữa.
Hòa giải không thành thì Tòa giải quyết cho ly hôn như thế nào?
Theo Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Do đó, hòa giải không thành thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân làm vào tình trạng không thể cứu vãn được nữa.
Trân trọng!