Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Việc quản lý, sử dụng phí bảo trì chung cư có mục đích để ở với phần sở hữu chung đối với như thế nào?

Việc quản lý, sử dụng phí bảo trì chung cư có mục đích để ở với phần sở hữu chung như thế nào? Sử dụng kinh phí bảo trì chung cư không đúng quy định sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

Nội dung chính

    Việc quản lý, sử dụng phí bảo trì chung cư có mục đích để ở với phần sở hữu chung như thế nào?

    Việc quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư dùng để ở được quy định tại khoản 1 Điều 36 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD như sau:

    Lập, bàn giao và quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu
    1. Đối với nhà chung cư có mục đích để ở, nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào mục đích khác nhưng không phân chia riêng biệt được phần sở hữu chung của khu chức năng căn hộ và khu chức năng kinh doanh dịch vụ thì sau khi tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu, việc lập tài khoản, bàn giao và quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung được thực hiện như sau:
    a) Ban quản trị nhà chung cư mở tài khoản tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (gọi tắt là tổ chức tín dụng) để quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của cả tòa nhà chung cư;
    b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Ban quản trị có văn bản đề nghị chuyển giao kinh phí bảo trì, chủ đầu tư và Ban quản trị có trách nhiệm quyết toán số liệu kinh phí bảo trì để chuyển sang tài khoản do Ban quản trị lập theo quy định tại điểm a khoản này để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật;
    c) Chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì đối với nhà chung cư có mục đích để ở có thể do một thành viên Ban quản trị hoặc nhiều thành viên Ban quản trị đứng tên đồng chủ tài khoản do Hội nghị nhà chung cư quyết định.
    Chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì đối với nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp có tối thiểu là 03 thành viên Ban quản trị đứng tên đồng chủ tài khoản, số lượng thành viên tối đa do Hội nghị nhà chung cư quyết định. Các thành viên tham gia đồng chủ tài khoản này phải có ít nhất 01 đại diện chủ sở hữu khu căn hộ, 01 đại diện chủ sở hữu diện tích khác (nếu có), 01 đại diện chủ đầu tư (nếu có) và một số thành viên khác do Hội nghị nhà chung cư quyết định (nếu có).
    Kỳ hạn gửi tiền và việc đứng tên đồng chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì quy định tại khoản này được quy định trong quy chế thu, chi tài chính của Ban quản trị do Hội nghị nhà chung cư thông qua.
    ...

    Theo đó, đối với nhà chung cư để ở hoặc sử dụng hỗn hợp mà không phân chia rõ ràng giữa khu căn hộ và khu kinh doanh, sau khi tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu, Ban quản trị sẽ mở tài khoản tại một tổ chức tín dụng để quản lý kinh phí bảo trì chung.

    Trong vòng 30 ngày từ khi nhận đề nghị chuyển giao, chủ đầu tư và Ban quản trị phải quyết toán kinh phí bảo trì chung cư để chuyển vào tài khoản của Ban quản trị. Tài khoản có thể do một hoặc nhiều thành viên Ban quản trị đứng tên, tùy theo quyết định của Hội nghị.

    Đối với nhà chung cư hỗn hợp, ít nhất 3 thành viên Ban quản trị phải đứng tên đồng chủ tài khoản, bao gồm đại diện chủ sở hữu khu căn hộ, đại diện cho diện tích khác (nếu có), và đại diện chủ đầu tư (nếu có). Quy định về kỳ hạn gửi tiền và danh sách thành viên sẽ được ghi trong quy chế tài chính của Ban quản trị do Hội nghị nhà chung cư thông qua.

    Việc quản lý, sử dụng phí bảo trì chung cư với phần sở hữu chung như thế nào? Việc quản lý, sử dụng phí bảo trì chung cư với phần sở hữu chung như thế nào? (Hình từ Internet) 

    Sử dụng kinh phí bảo trì chung cư không đúng quy định sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 67 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về mức phạt hành chính đối với hành vi sử dụng kinh phí bảo trì chung cư không đúng quy định như sau:

    Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với chủ đầu tư
    4. Phạt tiền từ 260.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp;
    b) Áp dụng cách tính diện tích căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư thuộc sở hữu riêng sai quy định;
    c) Không đóng hoặc đóng không đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư vào tài khoản đã lập theo quy định đối với diện tích căn hộ, phần diện tích khác mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng;
    d) Không bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng thời hạn hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị nhà chung cư theo quy định;
    đ) Sử dụng kinh phí bảo trì không đúng quy định.

    Như vậy, đối với hành vi sử dụng kinh phí bảo trì chung cư không đúng quy định thì chủ đầu tư sẽ bị phạt hành chính từ 260.000.000 đến 300.000.000 đồng. Ngoài ra, chủ đầu tư còn bị buộc sử dụng kinh phí bảo trì đúng với quy định.

    Lưu ý: mức phạt tiền quy định trên là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP)

    Tài liệu quyết toán kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư bao gồm những gì?

    Tài liệu quyết toán kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư được quy định tại khoản 2 Điều 39 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD bao gồm:

    - Biên bản kiểm đếm và bàn giao hồ sơ:

    + Biên bản kiểm đếm và nhận bàn giao hồ sơ nhà chung cư.

    + Biên bản xác định các phần diện tích và thiết bị thuộc sở hữu chung của tòa nhà theo quy định tại khoản 2 Điều 142 Luật Nhà ở 2023

    - Biên bản xác định kinh phí bảo trì: Biên bản xác định tổng số kinh phí bảo trì đã thu theo quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó cần ghi rõ:

    + Số tiền đã thu từ người mua và thuê mua căn hộ.

    + Số tiền chủ đầu tư phải bàn giao.

    + Tên và số tài khoản, cùng nơi mở tài khoản gửi kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư đang quản lý.

    - Bảng kê công việc bảo trì:

    + Bảng kê các công việc bảo trì phần sở hữu chung, theo quy trình bảo trì đã lập theo quy định của pháp luật xây dựng.

    + Kèm theo hóa đơn, chứng từ chứng minh số tiền đã thanh toán cho đơn vị bảo trì.

    + Số liệu kinh phí bảo trì còn lại sau khi trừ đi số tiền đã chi cho các công việc bảo trì (nếu có).

    Lưu ý: Nếu các công việc bảo trì thuộc nội dung bảo hành và còn trong thời gian bảo hành nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở 2023, chủ đầu tư không được trừ số tiền bảo trì cần chuyển giao cho Ban quản trị nhà chung cư.

    9