Cấu thành tội phạm của Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
Nội dung chính
Cấu thành tội phạm của Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
Tại Điều 172 Bộ luật hình sự 2015 và Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định như sau:
"Điều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
...
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng."
Như vậy: Căn cứ quy định trên đây thì có thể xác định cấu thành tội phạm của Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản cụ thể như sau:
1. Về mặt khách quan của tội phạm:
- Về hành vi: Người phạm tội có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác.
Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác ở đây có thể được hiểu là hành vi của người phạm tội lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu, người quản lý tài sản hoặc lợi dụng hoàn cảnh khách quan để chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai trước họ và những người khác chứng kiến sự việc (nếu có).
Hoàn cảnh khách quan ở đây có thể là thiên tai (hạn hán, lũ lụt, bão,...); hỏa hoạn; tai nạn,...
- Về mặt hậu quả: Tài sản của người khác bị người phạm tội chiếm đoạt trái pháp luật.
2. Về mặt chủ quan của tội phạm:
- Về lỗi: Người thực hiện hành vi do lỗi cố ý trực tiếp.
Theo đó, người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác, đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị người phạm tội khai thác giá trị sử dụng trái pháp luật nhằm vụ lợi và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
- Mục đích của hành vi phạm tội: Nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác trái pháp luật.
3. Mặt khách thể của tội phạm:
Tội phạm xâm phạm đến mối quan hệ liên quan đến quyền ở hữu tài sản hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ.
4. Về mặt chủ thể của tội phạm:
Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ.
Hình phạt đối với người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản:
Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 Bộ luật hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Tùy vào trừng trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm (Đây là hình phạt chính).
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (Đây là hình phạt bổ sung).