21:01 - 22/01/2025

Vi phạm giao thông bỏ xe không nộp phạt thì bị xử lý ra sao?

Vi phạm giao thông bỏ xe không nộp phạt thì bị xử lý ra sao? Người vi phạm giao thông bỏ xe khi hết thời hạn tạm giữ mà không đến nhận thì phương tiện đó xử lý như nào?

Nội dung chính

    Vi phạm giao thông bỏ xe không nộp phạt thì bị xử lý ra sao?

    Căn cứ tại Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 ) về thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:

    Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
    1. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
    2. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
    Trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản thì không thi hành quyết định phạt tiền nhưng vẫn thi hành hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định.
    Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Trong trường hợp người vi phạm giao thông bỏ xe không nộp phạt và thời hiệu thi hành quyết định xử phạt sẽ bắt đầu tính từ thời điểm hành vi trốn tránh hoặc trì hoãn chấm dứt.

    Bên cạnh đó, tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 ( sửa đổi bởi khoản 43 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) quy định:

    Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
    1. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
    a) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này;
    b) Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 85 của Luật này.”.
    2. Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:
    a) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;
    b) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
    c) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
    d) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.
    3. Chính phủ quy định cụ thể về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

    Như vậy trường hợp hết thời hạn trên mà cá nhân vi phạm giao thông bỏ xe vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình thì có thể bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt bằng cách hình thức sau:

    - Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của người vi phạm;

    - Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

    - Thu tiền, tài sản khác của người bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do người khác đang giữ trong trường hợp người vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

    - Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

    Vi phạm giao thông bỏ xe không nộp phạt thì bị xử lý ra sao?

    Vi phạm giao thông bỏ xe không nộp phạt thì bị xử lý ra sao? (Hình từ internet)

    Người vi phạm giao thông bỏ xe khi hết thời hạn tạm giữ mà không đến nhận thì phương tiện đó xử lý như nào?

    Tại khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 ( bổ sung bởi điểm b khoản 65 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) thì đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 ( bổ sung bởi điểm a, b khoản 64 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:

    * Trường hợp xác định được cá nhân, tổ chức liên quan đến tang vật, phương tiện bị tạm giữ:

    - Người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải thực hiện thông báo cho các đối tượng liên quan hai lần:

    + Thông báo lần thứ nhất phải được thực hiện trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện.

    +Thông báo lần thứ hai phải được thực hiện trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày phát hành thông báo đầu tiên.

    - Nếu sau 01 tháng kể từ ngày thông báo lần thứ hai, các cá nhân, tổ chức liên quan không đến nhận, thì trong vòng 05 ngày làm việc tiếp theo, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

    * Trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức liên quan đến tang vật, phương tiện bị tạm giữ:

    - Người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải thực hiện thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện hai lần:

    + Thông báo lần thứ nhất phải được thực hiện trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện.

    + Thông báo lần thứ hai phải được thực hiện trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày phát hành thông báo đầu tiên.

    - Nếu sau 01 năm kể từ ngày thông báo lần thứ hai, vẫn không có ai đến nhận thì trong vòng 05 ngày làm việc tiếp theo, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

    Thi hành quyết định cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính ra sao?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 88 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 45 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 về thi hành quyết định cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính:

    (1) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người ra quyết định phải gửi quyết định cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế và cá nhân, tổ chức có liên quan.

    Người ra quyết định cưỡng chế tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới.

    Việc gửi quyết định cưỡng chế cho các cá nhân, tổ chức liên quan được thực hiện theo quy định tại Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012:

    Quyết định cưỡng chế phải được thi hành ngay khi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế.

    (2) Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế được tính kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế cho đến thời điểm chấm dứt hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

    Quá thời hạn này thì không thi hành quyết định, cưỡng chế đó, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải cưỡng chế tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó.

    21
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ