Cách viết bản di chúc làm nhà từ đường?
Nội dung chính
Cách viết bản di chúc làm nhà từ đường?
Hỏi: Bố mẹ tôi đã > 60 tuổi, Bố mẹ tôi muốn làm bản di chúc với 2 nội dung cơ bản như sau:
1. Sau khi Bố (hoặc Mẹ) qua đời sẽ có người con chịu trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng Bố (hoặc Mẹ) còn sống trong suốt thời gian còn lại.
2. Khi cả Bố mẹ mất đi, Bố mẹ quyết định căn nhà và thửa đất sẽ làm Nhà từ Đường. Bố mẹ sẽ ưu tiên quyền sở hữu căn nhà và quyền sử dụng thửa đất nêu trên cho người con chưa có nhà cửa, đời sống còn khó khăn, chưa ổn định (không phân biệt trai, gái) và phải có trách nhiệm thờ cúng ông bà tổ tiên, lo trang trải công nợ và hậu sự sau này của Bố mẹ, TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC MUA BÁN, CHO THUÊ nhà và thửa đất trên dưới mọi hình thức nếu vi phạm sẽ huỷ quyền sở hữu căn nhà và quyền sử dụng thửa đất nói trên, không ai được tranh chấp, gây mất đoàn kết gia đình. Nhưng hiện tại nhà tôi có 5 anh em ( 3 trai, 2 gái) đều đã lập gia đình - Anh đầu có 2 con (1 gái: 17 tuổi, 1 trai: 11 tuổi) và anh kế có 2 con gái (11 tuổi & 9 tuổi): đều đã có nhà cửa. - Anh thứ 3 có 2 con gái (5 tuổi & 6 tháng tuổi) chưa có nhà, đang thuê nhà ở. - Chị gái có 1 con gái: 3 tuổi; tôi có 1 con gái: 4 tháng tuổi, cả 2 chị em tôi đang sống với Bố mẹ tôi. Vậy, xin giúp Bố mẹ tôi cách viết bản di chúc hợp lý...tránh gây tranh chấp, mất đoàn sau khi Bố Mẹ tôi qua đời.
Theo qui định của pháp luật thì trường hợp bố bạn muốn làm di chúc với nội dung đó thì thuộc dạng lập di chúc là di sản dùng vào việc thờ cúng. bạn có thể tham khảo nội dung cơ bản của qui định này và yêu cầu Phòng công chứng hướng dẫn lập di chúc theo tinh thần của qui định pháp luật là di sản dùng vào việc thờ cúng.
Điều 670. Di sản dùng vào việc thờ cúng
1. Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.