Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra là trách nhiệm của ai?
Nội dung chính
Cây trồng gây ra thiệt hại cho người khác thì bồi thường thiệt hại do ai?
Căn cứ theo Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Trong quá trình nuôi dưỡng cây sinh trưởng, chủ sở hữu cây phải thường xuyên kiểm tra cây cối có nguy cơ đổ gãy hay an toàn hay không. Định kỳ cắt tỉa các cành cây yếu mục, có tán nhiều và rộng dễ bị gió bão làm đổ gãy để không gây ra nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của chủ thể khác.
Đối với người chiếm hữu như được hưởng dụng tài sản theo thỏa thuận, chủ thể được giao nhiệm vụ quản lý, chăm sóc cây xanh công cộng… thì các chủ thể phải áp dụng các biện pháp bảo quản đối với cây cối, tránh gây thiệt hại cho chủ thể khác.
Như vậy, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây cối sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu cây gây thiệt hại do sơ suất trong việc chăm sóc, bảo dưỡng hoặc không tuân thủ các quy định pháp luật về trồng cây.
Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra là trách nhiệm của ai? (Hình từ internet)
Khi nào phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra?
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối phát sinh khi cây cối gây thiệt hại cho người khác và thiệt hại đó là kết quả của hành vi sơ suất hoặc không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, bảo dưỡng cây của chủ sở hữu cây. Trong một số trường hợp bất khả kháng hoặc hành vi của người bị thiệt hại, chủ sở hữu cây có thể không phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm bồi thường cũng phải có mối quan hệ nhân quả rõ ràng giữa cây cối và thiệt hại gây ra.
Chỉ khi nào đáp ứng đủ ba điều kiện sau đây thì mới phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra:
- Điều kiện bắt buộc tiên quyết là phải có thiệt hại xảy ra căn cứ theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. Đối với thiệt hại do cây cối gây ra là các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và tinh thần của con người, cơ quan, tổ chức.
- Điều kiện thứ hai là chứng minh việc cây cối gây thiệt hại trái pháp luật. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra chỉ được áp dụng khi thiệt hại do sự tác động của chính thân cây cối, các bộ phận liên quan và sự kiện gây thiệt hại nằm ngoài sự kiểm soát của con người. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định trái pháp luật do cây cối gây thiệt hại.
- Điều kiện thứ ba là có mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện cây cối gây thiệt hại trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Tức là, nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại phải do cây cối mà không có sự tác động của con người; thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của việc cây cối gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.
Theo đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây cối có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu cây cối của mình gây ra thiệt hại cho người khác.
Căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra?
Căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra được quy định chung tại khoản 2, khoản 3 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy, theo quy định thì căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra bao gồm các tình huống như:
- Sự kiện bất khả kháng: sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
- Hành vi sai phạm hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Như vậy trường hợp cây cối gây ra thiệt hại nhưng người bị thiệt hại sẽ không được bồi thường nếu nguyên nhân gây ra thiệt hại do lỗi của người bị thiệt hại gây ra hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 và khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên.