Bắt cóc con ruột có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Nội dung chính
Căn cứ Khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Nam, nữ “chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng”. Do đó, về mặt pháp luật, bạn và mẹ của con bạn không được coi là vợ chồng.
Dù không phải là vợ chồng nhưng “quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định … về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con” theo quy định của Điều 15. Theo đó, “con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con” (khoản 3 Điều 81).
Như vậy, trường hợp của bạn, con bạn dưới 36 tháng tuổi, theo quy định trên nếu vợ bạn có đủ điều kiện để chăm sóc con thì vợ bạn sẽ có quyền nuôi con. Bạn không được phép bắt cóc hay đưa con đi ra khỏi chỗ ở hiện tại nếu không được phép của vợ bạn. Ngoài ra, bạn có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân gia đình:
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Theo đó bạn chỉ được thăm nom, chăm sóc con, nếu bạn có hành vi bắt cóc con đi một nơi khác sinh sống, không có sự đồng ý của vợ và vợ bạn tố cáo hành vi đó, rất có thể bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em được quy định tại Điều 120 Bộ luật hình sự.