10:09 - 09/11/2024

Bản ghi âm có được xem là chứng cứ trong vụ án hình sự hay không?

Thời gian qua, tôi có theo dõi diễn biến vụ đại gia Cao Toàn Mỹ tố hoa hậu Phương Nga lừa đảo. Tôi có thấy nhiều báo đăng thông tin về đoạn ghi âm trong vụ án này. Cho tôi hỏi, đoạn ghi âm này có phải là chứng cứ của vụ án hay không?

Nội dung chính

    Bản ghi âm có được xem là chứng cứ trong vụ án hình sự hay không?

    Theo quy định tại Điều 86 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 thì chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

    Điều 87 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn sau đây:

    - Vật chứng;

    - Lời khai, lời trình bày;

    - Dữ liệu điện tử;

    - Kết luận giám định, định giá tài sản;

    - Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

    - Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

    - Các tài liệu, đồ vật khác.

    Trong đó, dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.

    Bản ghi âm là một bản lưu trữ âm thanh được xem là một dữ liệu điện tử. Do đó, bản ghi âm mới chỉ được xem là nguồn chứng cứ. Để bản ghi âm này được xem là chứng cứ trong một vụ án hình sự thì phải đáp ứng các điều kiện cần thiết.

    Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2012/NQ- HĐTP thì để được tòa án chấp nhận băng ghi âm, một bản ghi âm là chứng cứ khi xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ hoặc văn bản về sự việc liên quan đến việc ghi âm đó. Các tài liệu này có thể là băng ghi âm, đĩa ghi âm,... Trường hợp không xuất trình được các văn bản nêu trên thì bản ghi âm đó không được coi là chứng cứ. Đây chỉ là điểu kiện cần để xem một bản thu âm được tòa án xem xét để công nhận là chứng cứ.

    Ngoài ra, phải đáp ứng thêm một điều kiện về mặt chủ thể xuất hiện trong đoạn băng ghi âm thì mới đủ điều kiện để tòa án chấp nhận bản ghi âm là chứng cứ. Đó là người được cho là chủ thể của giọng nói xuất hiện trong đoạn ghi âm phải thừa nhận đó là giọng nói của mình, nếu họ không thừa nhận thì phải có văn bản kết luận xác định giọng nói đó là của họ của cơ quan giám định hình sự.

    Như vậy, để tòa án công nhận bản ghi âm là chứng cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án trong một vụ án hình sự thì phải đáp ứng các điều kiện như trên.

    Trong trường hợp bản ghi âm không đáp ứng đủ hai điều kiện trên thì chỉ được xem là tài liệu có liên quan, có giá trị tham khảo chứ không có giá trị chứng minh trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

    Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật!

    Trân trọng!

    479
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ