Ai là chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa?
Nội dung chính
Ai là chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa?
Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa có thể là các cá nhân và tổ chức. Đối với các cá nhân, để được thừa nhận là chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa, cá nhân phải đảm bảo có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Đây cũng là một trong các điều kiện hiệu lực của hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Bộ luật dân sự năm 2005.
Năng lực pháp luật dân sự là khả năng được hưởng quyền lợi và gánh vác những nghĩa vụ dân sự nhất định (Điều 14 Bộ luật dân sự năm 2005). Năng lực pháp luật dân sự có từ khi người đố sinh ra và chấm dứt khi người đó chết. Năng lực pháp luật dân sự không bị giứoi hạn bởi tuổi tác, sức khỏe hay bất kỳ một điều kiện nào khác ngoại trừ những người phạm tội bị truy tố.
Năng lực hành vi dân sự là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự trong thực tế (Điều 17 Bộ luật dân sự năm 2005). Năng lực hành vi dân sự bị giới hạn bởi hai điều kiện là điều kiện về tuổi và điều kiện về sức khỏe. Theo Điều 17, 18 và 19 Bộ luật dân sự năm 2005, người từ đủ 18 tuổi trở lên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có khả năng tự quyết và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Cần chú ý có ngoại lệ là đủ 18 tuổi nếu mắc bệnh tâm thần, bệnh về trí lực thì không có năng lực hành vi, không được giao kết hợp đồng mà phải do người đại diện theo pháp luật thực hiện.
Quy định về năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự là điều kiện bắt buộc phải có để các cá nhân muốn trở thành chủ thể giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa mang tính dân sự. Muốn giao kết các hợp đồng mua bán hàng hóa mang tính thương mại, các nhân còn phải thỏa mãn điều kiện nữa là phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đối với tổ chức, việc xác định năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật dân sự phụ thuộc vào việc tổ chức đó có được công nhận là pháp nhân hay không. Ngoài ra, việc xác định năng lực pháp luật dân sự của một tổ chức cũng khá phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật như Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp, Luật ngân hàng Nhà nước…Tổ chức có thể là một công ty, xí nghiệp, hiệp hội, hoặc một cơ quan nhà nước. Năng lực pháp lý và năng lực hành vi của tổ chức phát sinh khi tổ chức đó được thành lập và chấm dứt khi tổ chức đó bị giải thể, bị phá sản hoặc bị đình chỉ hoạt động. Năng lực này sẽ được cụ thể hóa trong điều lệ hoạt động, phù hợp với quy định của pháp luật.
Việc giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa của tổ chức được thực hiện thông qua người đại diện. Người đại diện của tổ chức, của pháp nhân có thể là Giám đốc hoặc người Giám đốc ủy quyền. Đại diện của tổ chức cụ thể đó là ai thường được xác định trong điều lệ hoạt động hoặc do pháp luật quy định. Người đại diện này cũng có thể ủy quyền cho người khác ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa trong phạm vi từng lĩnh vực công việc nhất định hoặc trong một khoảng thời gian nhất định.