08:47 - 18/12/2024

Ai có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra chuyên ngành của lực lượng quản lý thị trường hiện nay?

Gần đây, tôi thường thấy có những cán bộ nhà nước bên bộ phận quản lý thị trường đi kiểm tra tại các cửa hàng kinh doanh hàng hóa ở địa phương tôi. Ban tư vấn cho tôi hỏi, Đội kiểm tra này là do Cơ quan nào thành lập? Họ có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra chuyên ngành của lực lượng quản lý thị trường không?

Nội dung chính

    Thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra chuyên ngành của lực lượng quản lý thị trường?

    Căn cứ Điều 4 Nghị định 33/2022/NĐ-CP quy định như sau:

    “Điều 4. Thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra
    1. Người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều 21 Pháp lệnh Quản lý thị trường bao gồm:
    a) Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường;
    b) Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh) gồm: Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
    c) Đội trưởng Đội Quản lý thị trường trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh gồm: Đội trưởng Đội Quản lý thị trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường chuyên ngành; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường cơ động.
    2. Người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều này được giao quyền cho cấp phó ban hành quyết định kiểm tra theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 21 Pháp lệnh Quản lý thị trường.”

    Theo đó, người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra chuyên ngành của lực lượng quản lý thị trường bao gồm Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, Đội trưởng đội Quản lý thị trường. Ngoài ra, những người có thẩm quyền kể trên có thể ủy quyền cho cấp phó của mình ban hành quyết định kiểm tra chuyên ngành của lực lược quản lý thị trường.

    Thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra chuyên ngành của lực lượng quản lý thị trường hiện nay?

    Thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra chuyên ngành của lực lượng quản lý thị trường hiện nay?

    Thời hạn thực hiện kiểm tra chuyên ngành của lực lượng quản lý thị trường?

    Căn cứ Điều 22 Pháp lệnh Quản lý thị trường 2016 quy định như sau:

    “Điều 22. Thời hạn kiểm tra
    1. Khi tiến hành kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra công bố và giao quyết định kiểm tra cho tổ chức, cá nhân được kiểm tra.
    2. Thời hạn kiểm tra được quy định như sau:
    a) Thời hạn một cuộc kiểm tra tại nơi kiểm tra không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra;
    b) Trường hợp vụ việc kiểm tra phức tạp thì thời hạn một cuộc kiểm tra có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra. Việc kéo dài thời hạn một cuộc kiểm tra do người đã ban hành quyết định kiểm tra quyết định bằng văn bản.
    3. Thời gian không được tính vào thời hạn kiểm tra quy định tại khoản 2 Điều này bao gồm:
    a) Thời gian thẩm tra, xác minh để kết luận việc kiểm tra;
    b) Thời gian tổ chức, cá nhân được kiểm tra trì hoãn hoặc trốn tránh việc kiểm tra.”

    Như vậy, thời hạn kiểm tra không quá 03 ngày làm việc kể từ khi công bố quyết định kiểm tra. Có thể kéo dài thời hạn kiểm tra đối với vụ việc phức tạp nhưng không được quá 5 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra.

    Nhiệm vụ và quyền hạn của Đoàn Kiểm tra chuyên ngành của lực lượng quản lý thị trường?

    Căn cứ Điều 24 Pháp lệnh Quản lý thị trường 2016 quy định như sau:

    “Điều 24. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn kiểm tra
    1. Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ tổ chức thực hiện kiểm tra theo quyết định kiểm tra.
    2. Khi tiến hành kiểm tra, Đoàn kiểm tra có quyền:
    a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân được kiểm tra trực tiếp làm việc hoặc cử người đại diện làm việc với Đoàn kiểm tra. Trường hợp tổ chức, cá nhân được kiểm tra không có người đại diện, cá nhân không có mặt tại nơi kiểm tra thì Đoàn kiểm tra vẫn tiến hành việc kiểm tra nhưng phải có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an cấp xã và người chứng kiến;
    b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện cung cấp giấy tờ, tài liệu, sổ sách, chứng từ và giải trình những vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra;
    c) Kiểm tra hàng hóa, phương tiện, dụng cụ sản xuất, kinh doanh; kiểm tra nơi sản xuất, kinh doanh, lưu giữ hàng hóa có liên quan đến nội dung kiểm tra;
    d) Thu thập tài liệu, chứng cứ, giải trình của người đại diện tổ chức, cá nhân được kiểm tra tại nơi kiểm tra;
    đ) Lấy mẫu sản phẩm hàng hóa, tang vật, phương tiện có dấu hiệu vi phạm để trưng cầu giám định, kiểm nghiệm theo quy định của pháp luật;
    e) Áp dụng theo thẩm quyền hoặc đề xuất với người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”

    Theo đó, Đoàn kiểm tra khi tiến hành kiểm tra chỉ được thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo quyết định kiểm tra đã công bố trước đó. Đoàn kiểm tra có các quyền yêu cầu người làm việc với đoàn kiểm tra, yêu cầu cung cấp giấy tờ, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra, kiểm tra hàng hóa, thu thập tài liệu, lấy mẫu sản phẩm,… theo như quy định được nêu trên.

    218
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ