Các tiêu chí lựa chọn mua tủ lạnh và tủ đông tiết kiệm điện siêu hữu ích

Tủ lạnh và tủ đông là những thiết bị tiêu thụ điện năng lớn. Dưới đây là các tiêu chí lựa chọn mua tủ lạnh và tủ đông tiết kiệm điện siêu hữu ích.

Nội dung chính

    Các tiêu chí lựa chọn mua tủ lạnh và tủ đông tiết kiệm điện siêu hữu ích

    Tủ lạnh và tủ đông là những thiết bị điện không thể thiếu trong mỗi gia đình hiện đại. Với vai trò bảo quản thực phẩm an toàn và tiện lợi, chúng hoạt động liên tục 24/24h trong suốt cả năm.

    Chính vì vậy, đây cũng là những thiết bị tiêu thụ điện năng lớn, có thể chiếm tới 16% - 22% tổng điện năng tiêu thụ hằng năm của một hộ gia đình.

    Tuy nhiên, nhờ vào những cải tiến công nghệ như vật liệu cách nhiệt tốt hơn, máy nén biến tần hiện đại, hiệu suất năng lượng của tủ lạnh và tủ đông ngày nay đã được cải thiện đáng kể.

    Dưới đây là những tiêu chí quan trọng giúp lựa chọn tủ lạnh và tủ đông vừa tiết kiệm điện, vừa hiệu quả và bền bỉ trong quá trình sử dụng.

    (1) Phân loại tủ lạnh và tủ đông theo mục đích và công năng sử dụng

    Việc hiểu đúng về các loại tủ sẽ giúp chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu:

    - Tủ mát (Refrigerator - dung tích 30 - 70 lít): Tủ chỉ có một buồng mát với một ngăn làm đá không phân cách. Nhiệt độ 5°C - 8°C, nhiệt độ ngăn đá đạt -6°C. Dùng để bảo quản đồ uống và thực phẩm ngắn hạn, hay dùng trong khách sạn.

    - Tủ lạnh - trữ đông (Refrigerator - Freezer dung tích 150 - 800 lít)

    Phân loại Đặc điểm
    Tủ hai buồng - hai cửa Có một buồng trữ đông 3 sao (-18°C), buồng lạnh chia làm nhiều ngăn nhiệt độ 0°C - 12°C, để bảo quản thực phẩm tươi, đồ uống. Ngăn trữ đông có thể ở trên hoặc dưới (Top-Freezer / Bottom-Freezer). Dung tích 150 - 500 lít, thích hợp cho gia đình tiết kiệm chi phí.
    Tủ nhiều buồng nhiều cửa Có nhiều buồng; buồng đông 3 sao (-18°C); buồng lạnh 1 sao (-6°C - 0°C); buồng làm mát (0°C - 6°C); buồng rau quả/đồ uống (12°C). Loại tủ này cho chất lượng bảo quản tốt nhất, giảm tổn thất lạnh khi lấy đồ. Sử dụng máy nén biến tần tiết kiệm điện. Dung tích 300 - 500 lít với chi phí đầu tư cao.
    Tủ nhiều buồng có cánh mở sang hai phía (Side-by-Side) Có nhiều buồng; buồng đông 3 sao (-18°C); buồng lạnh 1 sao (-6°C - 0°C); buồng làm mát (0°C - 6°C); buồng rau quả/đồ uống (12°C). Đa dụng, mỹ quan đẹp. Hạn chế tổn thất lạnh, sử dụng máy nén biến tần tiết kiệm điện. Dung tích 500 - 800 lít với chi phí đầu tư cao.

     - Tủ đông cánh mở trên/cánh mở bên (Freezer - dung tích 150 - 1000 lít): Tủ có ngăn trữ đông 3 sao (-18°C) dùng để bảo quản thực phẩm đông lạnh dài ngày và có ngăn 4 sao (nhiệt độ < -30°C) có thể dùng để cấp đông thực phẩm. Phổ biến dùng ở các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, cũng có thể dùng cho gia đình, mức tiêu thụ điện cao.

     (2) Chọn dung tích và hiệu suất năng lượng phù hợp

    Nên chọn tủ lạnh có nhãn năng lượng 5 sao theo tiêu chuẩn Việt Nam, đây là nhóm có hiệu suất sử dụng điện tốt nhất. Đồng thời nên ưu tiên tủ sử dụng máy nén biến tần (Inverter) giúp điều chỉnh công suất làm lạnh phù hợp, từ đó tiết kiệm điện đến 30%.

    Ngoài ra, nên chọn tủ sử dụng môi chất lạnh R600a - loại gas mới an toàn, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

    Dưới đây là bảng gợi ý dung tích tủ lạnh dựa theo số lượng thành viên và thói quen mua sắm:

    Số người Đi chợ hàng ngày 2 ngày/lần 2 lần/tuần 1 lần/tuần
    Dưới 3 100 – 110 lít 120 – 130 lít 150 – 170 lít 180 – 200 lít
    4 – 5 130 – 150 lít 160 – 170 lít 180 – 200 lít 210 – 230 lít
    6 – 8 170 – 180 lít 200 – 210 lít 230 – 250 lít 260 – 280 lít
    Trên 8 200 – 210 lít 210 – 240 lít 250 – 280 lít 280 – 300 lít

     Lưu ý: Không nên chọn tủ có dung tích quá lớn so với nhu cầu thực tế để tránh tiêu thụ điện không cần thiết.

    (3) Ưu tiên thiết kế nhiều ngăn, giảm thất thoát nhiệt

    Tủ lạnh hiện đại thường có thiết kế nhiều buồng, nhiều cánh. Khi mở tủ để lấy thực phẩm, chỉ cần mở một phần điều này giúp:

    - Giảm thoát hơi lạnh đột ngột.

    - Giữ ổn định nhiệt độ các ngăn khác.

    - Giảm tải cho máy nén, tiết kiệm điện năng.

    Loại tủ này tuy có giá cao hơn, nhưng nếu sử dụng lâu dài sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí điện.

    Các tiêu chí lựa chọn mua tủ lạnh và tủ đông tiết kiệm điện siêu hữu ích

    Các tiêu chí lựa chọn mua tủ lạnh và tủ đông tiết kiệm điện siêu hữu ích (Hình từ Internet)

    Cách sử dụng tủ lạnh và tủ đông hiệu quả và tiết kiệm điện

    Dưới đây là một số gợi ý về cách sử dụng tủ lạnh và tủ đông tiết kiệm điện

    (1) Vị trí đặt tủ

    Đặt tủ nơi thoáng mát, cách tường ít nhất 15 - 20 cm. Đồng thời, tránh đặt gần bếp, ánh nắng chiếu trực tiếp hoặc các nguồn nhiệt.

    (2) Kiểm tra gioăng cửa tủ

    Gioăng cửa bị hở sẽ khiến hơi lạnh thoát ra ngoài, máy nén hoạt động liên tục, gây tốn điện. Nên kiểm tra định kỳ và thay gioăng nếu phát hiện bị rách hoặc biến dạng.

    (3) Mở cửa tủ hợp lý

    Không nên mở cửa tủ quá lâu hoặc quá nhiều lần. Mỗi lần mở tủ là một lần làm giảm nhiệt độ bên trong, khiến máy nén phải chạy lâu hơn để làm mát lại.

    (4) Cài đặt nhiệt độ phù hợp

    Không nên để nhiệt độ quá thấp. Hãy đặt ở mức trung bình (nấc 3 hoặc 4). Tham khảo nhiệt độ phù hợp cho từng ngăn:

    Loại ngăn Nhiệt độ tham khảo (°C)
    Ngăn rau củ, đồ uống 12
    Ngăn trứng, sữa, đồ chín 4
    Ngăn mát thịt cá (dùng trong ngày) 2
    Ngăn đông 1 sao -6
    Ngăn đông 2 sao -12
    Ngăn đông 3 – 4 sao (lâu dài) -18

     * Một số lưu ý bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh - tủ đông giúp tiết kiệm điện

    - Bọc kín thức ăn trước khi cho vào tủ để tránh hơi nước bốc ra, giảm tải khử ẩm và tránh tạo mùi trong tủ.

    - Không cho thức ăn còn nóng vào tủ, vì sẽ làm tăng nhiệt độ bên trong và khiến máy nén hoạt động mạnh hơn.

    - Tránh nhồi nhét thực phẩm quá đầy, nhưng cũng không nên để tủ quá trống. Lượng thực phẩm vừa phải sẽ giúp giữ nhiệt ổn định và tiết kiệm điện hơn.

    - Vệ sinh dàn ngưng định kỳ 1 - 2 lần/năm để loại bỏ bụi, tăng hiệu suất làm lạnh.

    Tủ lạnh có phải dán nhãn năng lượng không?

    Căn cứ tại khoản 1 Điều 1 Quyết định 04/2017/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu như sau:

    Điều 1. Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu
    1. Nhóm thiết bị gia dụng gồm: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình, đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ.
    2. Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại gồm: Máy phôtô copy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại, máy tính xách tay.
    3. Nhóm thiết bị công nghiệp gồm: Máy biến áp phân phối, động cơ điện.
    4. Nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm: Xe ô tô con loại 9 chỗ trở xuống, xe mô tô, xe gắn máy.

    Như vậy, theo quy định trên thì tủ lạnh thuộc nhóm thiết bị gia dụng trong danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu.

    Do đó tủ lạnh phải dán nhãn năng lượng.

    saved-content
    unsaved-content
    160