Hồ sơ trình thẩm định Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam gồm có những giấy tờ gì?
Nội dung chính
- Hồ sơ trình thẩm định Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam gồm có những giấy tờ gì?
- Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam sẽ thẩm định những nội dung gì?
- Nội dung đánh giá tổng mức đầu tư xây dựng Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam được quy định như thế nào?
Hồ sơ trình thẩm định Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam gồm có những giấy tờ gì?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 123/2025/NĐ-CP, trong hồ sơ trình thẩm định Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam bao gồm các giấy tờ như sau:
[1] Tờ trình Thủ tướng Chính phủ;
[2] Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng;
[3] Báo cáo kết quả thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của tổ chức tư vấn thẩm tra;
[4] Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về Báo cáo giữa kỳ;
[5] Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án;
[6] Dự thảo Quyết định phê duyệt dự án của Thủ tướng Chính phủ;
[7] Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Bên cạnh đó, chủ đầu tư chuẩn bị hồ sơ gửi đến cơ quan chủ quản. Sau đó, cơ quan chủ quản gửi 01 bộ hồ sơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi hồ sơ đến Hội đồng thẩm định nhà nước để thực hiện thẩm định.
Hồ sơ trình thẩm định Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam gồm có những giấy tờ gì? (Hình từ Internet)
Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam sẽ thẩm định những nội dung gì?
Tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 123/2025/NĐ-CP quy định về nội dung thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam bao gồm:
[1] Đánh giá về hồ sơ dự án: căn cứ pháp lý, thành phần, nội dung hồ sơ theo quy định;
[2] Sự phù hợp với mục tiêu, quy mô đầu tư và các yêu cầu khác được xác định tại chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt;
[3] Đánh giá về thiết kế FEED;
[4] Đánh giá về thời gian, tiến độ thực hiện; phân kỳ đầu tư; phân chia các dự án thành phần hoặc tiểu dự án; việc phân chia gói thầu và kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu (nếu có);
[5] Đánh giá về việc tổ chức quản lý dự án, bao gồm: xác định chủ đầu tư; hình thức quản lý dự án: mối quan hệ và trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến quá trình thực hiện dự án, tổ chức bộ máy quản lý khai thác dự án;
[6] Đánh giá về nhu cầu sử dụng đất; điều kiện giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư (trừ trường hợp thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo dự án thành phần);
[7] Đánh giá về hồ sơ đề xuất chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo pháp luật về lâm nghiệp;
[8] Đánh giá về yếu tố bảo đảm tính hiệu quả dự án gồm: tổng mức đầu tư xây dựng; nguồn vốn; phân tích rủi ro; hiệu quả tài chính, hiệu quả và tác động kinh tế - xã hội;
[9] Kiểm tra việc thực hiện thủ tục về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh và các yếu tố khác;
[10] Đánh giá sơ bộ về xác định chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa lớn trong giai đoạn khai thác vận hành dự án; phương án đào tạo, chuyển giao công nghệ.
Nội dung đánh giá tổng mức đầu tư xây dựng Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam được quy định như thế nào?
Tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 123/2025/NĐ-CP quy định về nội dung đánh giá tổng mức đầu tư xây dựng Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam cụ thể như sau:
- Kiểm tra kết quả thẩm tra tổng mức đầu tư xây dựng của tổ chức tư vấn; việc tiếp thu, giải trình, hoàn thiện tổng mức đầu tư xây dựng của các cơ quan có liên quan (nếu có);
- Sự phù hợp của tổng mức đầu tư xây dựng với sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt; phương pháp xác định tổng mức đầu tư xây dựng;
- Sự phù hợp của nội dung các thành phần chi phí của tổng mức đầu tư xây dựng với quy định và các nội dung, yêu cầu của dự án;
- Xem xét, đánh giá sự phù hợp, đầy đủ của việc xác định khối lượng hoặc quy mô công trình, hạng mục công trình, chủng loại và số lượng thiết bị theo phương án công nghệ được lựa chọn để tính toán trong tổng mức đầu tư xây dựng với thiết kế FEED và Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của dự án;
- Xem xét, đánh giá sự tuân thủ hoặc phù hợp với các quy định của pháp luật về áp dụng, tham khảo hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, các công cụ cần thiết khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, công bố và việc vận dụng, tham khảo dữ liệu về chi phí của các dự án, công trình tương tự và các công cụ cần thiết khác để xác định tổng mức đầu tư xây dựng;
- Kiểm tra, đánh giá kết quả xác định giá trị tổng mức đầu tư xây dựng trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.