Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân Việt Nam từ 01/7/2025?
Nội dung chính
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được hiểu thế nào?
Căn cứ khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định về giải thích từ ngữ thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được hiểu như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
[...]
21. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của các luật có liên quan được thực hiện theo quy định của Luật này có giá trị pháp lý tương đương như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Luật này.
[...]
Từ quy định trên, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được hiểu là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho người có quyền sử dụng đất.
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân Việt Nam từ 01/7/2025?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai 2024 về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau:
Điều 136. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
1. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu đối với các trường hợp đăng ký lần đầu mà có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trường hợp quy định tại điểm b khoản 7 Điều 219 của Luật này được quy định như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại các khoản 1, 2, 5, 6 và 7 Điều 4 của Luật này.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp quy định tại khoản này;
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 của Luật này.
[...]
Theo đó, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân Việt Nam là Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 5 Nghị định 151/2025/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 01/7/2025) có đề cập:
Điều 5. Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai chuyển giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện, bao gồm:
[...]
e) Quyết định giá đất cụ thể quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Đất đai;
g) Quyết định giá bán nhà ở tái định cư trong địa bàn quy định tại khoản 3 Điều 111 Luật Đất đai;
h) Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại điểm b khoản 1 Điều 136 và điểm d khoản 2 Điều 142 Luật Đất đai;
[...]
Như vậy, từ các quy định trên, kể từ 01/7/2025 thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân Việt Nam là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân Việt Nam từ 01/7/2025? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã về các nội dung quy định tại Luật Đất đai từ sau 01/7/2025 là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 14 Nghị định 151/2025/NĐ-CP quy định Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về các nội dung quy định tại Luật Đất đai như sau:
[1] Cho ý kiến về quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;
[2] Tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp xã, kế hoạch sử dụng đất 05 năm;
[3] Công bố công khai quy hoạch sử dụng đất cấp xã, kế hoạch sử dụng đất 05 năm cấp xã;
[4] Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương;
[5] Công bố, công khai phạm vi thu hồi đất theo tiến độ của dự án đến người sử dụng đất đối với dự án chưa có trong kế hoạch sử dụng đất cấp xã;
[6] Báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 15 tháng 10 hằng năm;
[7] Chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
[8] Quản lý đất đã thu hồi tại khu vực nông thôn;
[9] Tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất, giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật về khiếu nại; bảo đảm điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc cưỡng chế; bố trí kinh phí cưỡng chế thu hồi đất;
[10] Tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư;
[11] Lập và tổ chức thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm tại địa phương; tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu, giải trình ý kiến của người có đất thu hồi;
[12] Giao trách nhiệm cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
[13] Thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 5 Điều 125 Luật Đất đai;
[14] Nhận bàn giao diện tích đất quy định tại điểm d khoản 2 Điều 142 Luật Đất đai để thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật;
[15] Quản lý phần diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quy định tại điểm d khoản 1 Điều 181 Luật Đất đai, diện tích đất quy định tại điểm e khoản 2 Điều 181 Luật Đất đai và thực hiện các công việc khác quy định tại khoản 2 Điều 181 Luật Đất đai;
[16] Quản lý đất bãi bồi ven sông, ven biển thuộc địa bàn; điều tra, khảo sát, theo dõi, đánh giá quỹ đất bãi bồi ven sông, ven biển thường xuyên được bồi tụ hoặc thường bị sạt lở để có kế hoạch khai thác, sử dụng;
[17] Thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 7 Điều 219 Luật Đất đai.