Đi Đà Lạt bằng cách nào khi Sân bay Liên Khương đóng cửa?
Nội dung chính
Đi Đà Lạt bằng cách nào khi Sân bay Liên Khương đóng cửa?
Sân bay Liên Khương vốn là điểm trung chuyển hàng không then chốt nối Đà Lạt (Lâm Đồng) với các thành phố lớn trong và ngoài nước.
Việc sân bay này tạm thời đóng cửa đã ảnh hưởng đáng kể đến việc đi lại của khách du lịch, đặc biệt là những người từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng – các thành phố có tuyến bay trực tiếp đến đây.
Trong bối cảnh đó, du khách vẫn có thể đến Đà Lạt thông qua ba phương án thay thế: đường bộ, đường sắt và đường hàng không với điểm dừng trung gian.
[1] Từ miền Bắc
Xe khách: Di chuyển bằng xe khách từ các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Ninh Bình mất khoảng 25-40 giờ, tùy điểm xuất phát. Mặc dù thời gian khá dài, chi phí lại tiết kiệm với vé khứ hồi dao động trong khoảng 600.000 – 900.000 đồng/người. Máy bay: Phương án nhanh nhất là bay từ Hà Nội đến sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) hoặc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) trong khoảng 2 tiếng, sau đó tiếp tục đi xe khách đến Đà Lạt (4-5 tiếng). Giá vé máy bay khứ hồi từ 3-5 triệu đồng, cộng thêm 200.000–400.000 đồng cho xe khách. Từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng), hành trình tương tự với tổng thời gian di chuyển khoảng 6-7 tiếng và chi phí khoảng 4–4,4 triệu đồng/người. Tàu hỏa: Tuyến tàu từ Hà Nội đến Nha Trang hoặc Tháp Chàm là lựa chọn kinh tế, nhưng khá tốn thời gian. Sau khi đến ga, du khách cần thêm 4-5 tiếng di chuyển bằng xe khách. Tổng thời gian khoảng 27-28 tiếng, chi phí cho vé tàu khứ hồi khoảng 2,4-2,5 triệu đồng. |
[2] Từ miền Trung
Xe khách: Các tỉnh như Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có thể đến Đà Lạt bằng xe khách trong khoảng 3-5 tiếng với giá từ 150.000 đến 500.000 đồng/lượt. Với những tỉnh xa hơn, di chuyển mất 8-15 tiếng, vé khoảng 1,2-1,8 triệu đồng/khứ hồi. Máy bay: Từ Đà Nẵng, du khách có thể bay đến Cam Ranh (giá vé khứ hồi khoảng 3 triệu đồng), sau đó đi xe khách lên Đà Lạt. Tổng thời gian khoảng 5-6 tiếng. Ngoài ra, vẫn có thể bay đến Buôn Ma Thuột, tuy nhiên vé đắt (khoảng 7,3 triệu đồng khứ hồi) và không có nhiều chuyến. Tàu hỏa: Hành khách có thể bắt tàu từ Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình… đến Nha Trang. Thời gian di chuyển 7-11 tiếng, vé khứ hồi từ 600.000 – 1,2 triệu đồng. Sau đó, cần thêm 4-5 tiếng đi xe khách. |
[3] Từ miền Nam
Xe khách: Tuyến TP.HCM – Đà Lạt khá phổ biến, với nhiều lựa chọn như xe limousine, giường nằm. Thời gian di chuyển từ 6-8 tiếng, giá vé khứ hồi dao động 400.000 – 700.000 đồng/người. Máy bay: Du khách có thể bay từ TP.HCM, Cần Thơ hoặc Phú Quốc đến Cam Ranh, rồi đi xe khách đến Đà Lạt. Tuy nhiên, vì phải quá cảnh và tổng thời gian tương đương xe khách, chi phí lại cao nên phương án này không thực sự tiện lợi. Tàu hỏa: Từ TP.HCM, có thể đi tàu đến Nha Trang hoặc Tháp Chàm, sau đó tiếp tục đi xe khách. Tổng thời gian khoảng 9-10 tiếng, giá vé tàu khoảng 700.000–800.000 đồng khứ hồi, thêm 200.000–400.000 đồng cho chặng xe khách. |
Việc sân bay Liên Khương ngừng hoạt động buộc du khách phải cân nhắc các phương án thay thế kết hợp giữa các phương tiện vận tải. Tùy theo vị trí xuất phát, nhu cầu về thời gian và ngân sách, người đi Đà Lạt vẫn có thể chọn lựa hành trình phù hợp.
Đi Đà Lạt bằng cách nào khi Sân bay Liên Khương đóng cửa? (Hình từ Internet)
Khái quát về sân bay Liên Khương
Sân bay Liên Khương đóng vai trò then chốt trong việc kết nối thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng với các địa phương trong nước cũng như quốc tế. Đây là cửa ngõ hàng không quan trọng phục vụ lượng lớn du khách đến với “thành phố ngàn hoa”.
Tên chính thức: Cảng hàng không Liên Khương
Vị trí: Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng
Mã quốc gia: +84
Mã sân bay: DLI
Số điện thoại liên hệ: 0263 3843 373
Múi giờ: GMT +7
Số lượng nhà ga: 1
Khoảng cách đến trung tâm TP. Đà Lạt: khoảng 28 km
Hiện tại, sân bay này phục vụ từ 2,5 đến 3 triệu lượt khách mỗi năm và đang khai thác các tuyến bay từ khoảng 10 tỉnh, thành khác nhau. Ngoài ra, sân bay còn được biết đến với lối kiến trúc đặc sắc, lấy cảm hứng từ hoa dã quỳ – loài hoa biểu tượng của vùng đất cao nguyên này.
Hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất
Cảng hàng không Liên Khương được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, với tổng vốn hơn 260 tỷ đồng. Dự án hoàn thành và đưa vào vận hành từ cuối tháng 12/2009, góp phần kết nối Đà Lạt với nhiều thành phố lớn trong nước và các nước trong khu vực châu Á.
Sân bay được trang bị đường băng dài 3.250m và rộng 45m, kèm theo hai đường lăn phụ lần lượt có kích thước 2.404m x 37m và 94m x 19m, đủ điều kiện tiếp nhận nhiều loại máy bay phổ biến.
Với tổng diện tích 23.100m², khu vực đỗ máy bay có khả năng tiếp nhận đồng thời 5 chiếc máy bay cỡ nhỏ và tầm trung như ATR72, Airbus A320, A321 hoặc tương đương.
Nhà ga hành khách:
Nhà ga duy nhất của sân bay có diện tích 12.400m², thiết kế lấy hình tượng hoa dã quỳ với phần mái màu vàng nổi bật. Từ góc nhìn trên cao, nhà ga trông như một đóa hoa nở rộ giữa cao nguyên.
Công trình gồm hai tầng được trang bị công nghệ hiện đại, đảm bảo phục vụ hiệu quả khoảng 800 hành khách mỗi giờ trong thời gian cao điểm.
Tầng trệt: là nơi tiếp đón hành khách nội địa và quốc tế với các khu vực như kiểm tra an ninh, băng chuyền hành lý, phòng chờ, khu vệ sinh và nhà hàng ăn uống.
Tầng trên: bao gồm các quầy thủ tục lên máy bay, khu kiểm tra hành lý, 4 phòng chờ tiêu chuẩn, 2 phòng chờ VIP, quầy nước giải khát và nhà vệ sinh.
Các dịch vụ hàng không nào được cung cấp tại cảng hàng không, sân bay?
Căn cứ tại Điều 67 Nghị định 05/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 20/2024/NĐ-CP quy định các dịch vụ hàng không cung cấp tại cảng hàng không, sân bay như sau:
- Dịch vụ khai thác nhà ga hành khách là hoạt động tổ chức vận hành nhà ga hành khách bao gồm cả khu tập kết hàng hóa để phục vụ hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi, các hãng hàng không và các tổ chức, cá nhân khác sử dụng nhà ga hành khách trong dây chuyền vận chuyển hàng không.
- Dịch vụ khai thác khu bay là hoạt động tổ chức vận hành kết cấu hạ tầng sân bay để phục vụ hoạt động khai thác tàu bay.
- Dịch vụ khai thác nhà ga hàng hóa, kho hàng hóa được quy định như sau:
+ Khai thác nhà ga hàng hóa hàng không là hoạt động tổ chức vận hành nhà ga hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu về kiểm tra an ninh hàng không, kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa quốc tế theo quy định đối với hàng hóa, bưu gửi vận chuyển bằng đường hàng không. Nhà ga hàng hóa hàng không có vị trí tiếp giáp khu bay, kết nối trực tiếp với sân đỗ tàu bay;
+ Khai thác kho hàng hóa hàng không là hoạt động tổ chức vận hành kho hàng hóa hàng không, đáp ứng các yêu cầu về kiểm tra an ninh hàng không, kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa quốc tế theo quy định đối với hàng hóa, bưu gửi vận chuyển bằng đường hàng không. Kho hàng hóa hàng không có vị trí không tiếp giáp khu bay, không kết nối trực tiếp với sân đỗ tàu bay.
- Dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không là hoạt động sản xuất hoặc cung ứng và vận chuyển đồ ăn, đồ uống, các dụng cụ sử dụng kèm suất ăn trên tàu bay, vật phẩm suất ăn lên tàu bay để phục vụ hành khách; lưu trữ đồ ăn, đồ uống, vật phẩm suất ăn tại cảng hàng không, sân bay.
- Dịch vụ cung cấp xăng dầu hàng không là hoạt động lưu trữ, vận chuyển, tra nạp và hút nhiên liệu cho tàu bay tại cảng hàng không, sân bay.
- Dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất là các hoạt động thực hiện chức năng phục vụ hành khách; phục vụ hành lý; phục vụ hàng hoá, bưu gửi; phục vụ tàu bay trên sân đỗ, kiểm soát trọng tải, khai thác chuyến bay và các hoạt động hỗ trợ khai thác tàu bay khác tại cảng hàng không, sân bay.
- Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không là các hoạt động sửa chữa và bảo dưỡng để đảm bảo các điều kiện kỹ thuật theo quy định của các phương tiện, thiết bị chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay.
Từ quy định trên có thể thấy hiện nay có 7 loại hình dịch vụ hàng không được cung cấp tại cảng hàng không, sân bay.