Tuyến Metro số 5 Văn Cao Hòa Lạc khi nào khởi công?
Mua bán nhà đất tại Hà Nội
Nội dung chính
Tuyến Metro số 5 Văn Cao Hòa Lạc khi nào khởi công?
Tuyến Metro số 5 là một trong những công trình dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội, đang bước vào giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 61.900 tỷ đồng với chiều dài toàn tuyến hơn 38 km, bắt đầu từ Văn Cao, đi qua Ngọc Khánh, Láng, Đại lộ Thăng Long và kết thúc tại Hòa Lạc.
Tuyến Metro số 5 được thiết kế gồm 21 nhà ga, trong đó có 6 ga ngầm, 15 ga nổi. Về kết cấu, khoảng hơn 6 km đầu tuyến sẽ đi ngầm, gần 2 km đi trên cao, còn lại khoảng 30 km sẽ đi bằng.
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), giai đoạn chuẩn bị đầu tư bao gồm 10 gói thầu. Hiện tại, 1 gói thầu đã được ký hợp đồng, trong khi đó 9 gói thầu tư vấn còn lại đang được hoàn thiện các thủ tục để sớm ký kết.
Trước tính cấp bách của nhu cầu phát triển giao thông và giảm tải áp lực cho các tuyến đường, các cơ quan chức năng đã yêu cầu MRB cần khẩn trương hoàn thiện các thủ tục còn lại, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo khởi công toàn tuyến Metro số 5 trong năm 2025.
Như vậy, Tuyến metro số 5 Văn Cao Hòa Lạc dự kiến sẽ khởi công trong năm 2025. Khi hoàn thành, tuyến Metro số 5 sẽ góp phần cải thiện hệ thống giao thông công cộng ngoài ra còn mở rộng cơ hội phát triển đô thị về phía Tây Hà Nội.
Tuyến Metro số 5 Văn Cao Hòa Lạc khi nào khởi công? (Hình từ Internet)
Quy tắc giao thông đường sắt được quy định ra sao?
Căn cứ tại Điều 38 Luật Đường sắt 2017 quy định về quy tắc giao thông đường sắt như sau
(1) Quy tắc giao thông đường sắt bao gồm các quy định về chỉ huy chạy tàu, lập tàu, dồn tàu, chạy tàu, tránh tàu, vượt tàu, dừng tàu, lùi tàu.
(2) Quy định về chỉ huy chạy tàu:
- Việc chạy tàu ở mỗi khu đoạn chỉ do một nhân viên điều độ chạy tàu tuyến chỉ huy. Mệnh lệnh chạy tàu phải được thực hiện thông qua sự chỉ huy của nhân viên điều độ chạy tàu tuyến. Điều độ chạy tàu ga, trực ban chạy tàu ga, trưởng tàu, lái tàu phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh chỉ huy của nhân viên điều độ chạy tàu tuyến;
- Trong phạm vi ga đường sắt, điều độ chạy tàu ga hoặc trực ban chạy tàu ga là người chỉ huy chạy tàu. Trưởng tàu, lái tàu phải tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy chạy tàu hoặc tuân theo biểu thị của tín hiệu;
- Trên tàu, trưởng tàu là người chỉ huy cao nhất để bảo đảm chạy tàu an toàn;
- Trên tàu không bố trí trưởng tàu, đầu máy chạy đơn, tàu đường sắt đô thị, lái tàu là người chỉ huy cao nhất để bảo đảm chạy tàu an toàn.
(3) Quy định về lập tàu:
- Việc lập tàu phải theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đường sắt;
- Toa xe phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thì mới được ghép nối.
(4) Quy định về dồn tàu:
- Dồn tàu là việc di chuyển đầu máy, toa xe từ vị trí này sang vị trí khác trong phạm vi ga đường sắt, khu gian. Dồn tàu phải thực hiện theo kế hoạch của trực ban chạy tàu ga;
- Trong quá trình dồn tàu, lái tàu phải tuân theo sự điều khiển của trưởng dồn.
(5) Quy định về chạy tàu:
- Khi chạy tàu, lái tàu phải tuân thủ các quy định sau đây:
+ Điều khiển tàu đi từ ga, thông qua ga, dừng, tránh, vượt tại ga theo lệnh của trực ban chạy tàu ga.
+ Chỉ được phép điều khiển tàu vào khu gian khi có chứng vật chạy tàu.
+ Chỉ được phép điều khiển tàu vào ga, thông qua ga theo tín hiệu đèn màu, tín hiệu cánh và tín hiệu của trực ban chạy tàu ga.
+ Điều khiển tốc độ chạy tàu theo quy định tại Điều 42 Luật Đường sắt 2017.
+ Trong quá trình chạy tàu, lái tàu và phụ lái tàu đang trong phiên trực không được rời vị trí làm việc;
- Tàu khách chỉ được chạy khi các cửa toa xe hành khách đã đóng. Cửa toa xe hành khách chỉ được mở khi tàu đã dừng hẳn tại ga đường sắt.
(6) Quy định về tránh, vượt tàu:
- Việc tránh, vượt tàu phải thực hiện tại ga đường sắt;
- Lái tàu thực hiện việc tránh, vượt tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng theo lệnh của trực ban chạy tàu ga; trên đường sắt đô thị theo lệnh của điều độ chạy tàu đường sắt đô thị.
(7) Quy định về dừng tàu, lùi tàu:
Lái tàu phải dừng tàu khi thấy có tín hiệu dừng; khi phát hiện tình huống đe dọa đến an toàn chạy tàu hoặc nhận được tín hiệu dừng tàu khẩn cấp thì được phép dừng tàu hoặc lùi tàu khẩn cấp. Trường hợp dừng tàu, lùi tàu khẩn cấp, trưởng tàu, lái tàu có trách nhiệm thông báo cho nhà ga theo quy định.
(8) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết Điều 38 Luật Đường sắt 2017.
Đất dành cho Tuyến Metro số 5 Văn Cao Hòa Lạc là các loại đất nào?
Căn cứ tại Điều 209 Luật Đất đai 2024 quy định đất dành cho đường sắt như sau:
(1) Đất dành cho đường sắt bao gồm:
- Đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước cho hoạt động thường xuyên trong ga đường sắt;
- Đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt;
- Đất xây dựng công trình dịch vụ liên quan đến vận tải hành khách, vận tải hàng hóa và công trình kinh doanh dịch vụ thương mại khác trong phạm vi đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.
(2) Việc giao đất, cho thuê đất dành cho đường sắt được thực hiện như sau:
- Giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất quy định tại điểm a khoản 1 Điều 209 Luật Đất đai 2024;
- Cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm và miễn tiền thuê đất đối với đất quy định tại điểm b khoản 1 Điều 209 Luật Đất đai 2024.
- Cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm đối với đất quy định tại điểm c khoản 1 Điều 209 Luật Đất đai 2024.
(3) Đối với đất dành cho đường sắt đã được giao, cho thuê trước ngày Luật này có hiệu lực thì Nhà nước xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo hình thức quy định tại khoản 2 Điều 209 Luật Đất đai 2024.
(4) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất, giao đất để lực lượng Công an nhân dân bảo đảm an ninh, trật tự đối với khu vực nhà ga đường sắt.