08:50 - 07/05/2025

Khi nào thì Vingroup lập xong hồ sơ đề xuất dự án xây metro đi Cần Giờ?

Khi nào thì Vingroup lập xong hồ sơ đề xuất dự án xây metro đi Cần Giờ? Thông tin chi tiết về dự án xây metro đi Cần Giờ

Nội dung chính

    Khi nào thì Vingroup lập xong hồ sơ đề xuất dự án xây metro đi Cần Giờ?

    UBND TP.HCM vừa có văn bản chấp thuận cho Tập đoàn Vingroup được nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án đường sắt đô thị kết nối từ trung tâm thành phố đến huyện Cần Giờ theo hình thức đối tác công tư (PPP).

    Theo đó, Tập đoàn Vingroup sẽ tự cân đối nguồn lực tài chính để thực hiện việc nghiên cứu và lập hồ sơ đề xuất dự án, không sử dụng ngân sách của TP.

    Trường hợp hồ sơ đề xuất không được cấp có thẩm quyền chấp thuận, nhà đầu tư sẽ tự chịu mọi rủi ro và chi phí đã phát sinh trong quá trình thực hiện.

    UBND TP yêu cầu Tập đoàn Vingroup đảm bảo chất lượng, nội dung và thành phần hồ sơ theo đúng quy định hiện hành, đồng thời hoàn tất hồ sơ đề xuất dự án trong vòng 12 tháng kể từ ngày ban hành văn bản.

    Trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quá thời hạn 1 năm mà chưa hoàn thành thì công văn sẽ hết hiệu lực thực hiện. Tập đoàn Vingroup tự chịu mọi rủi ro và các khoản chi phí đã thực hiện.

    Như vậy, hồ sơ đề xuất dự án xây metro đi Cần Giờ sẽ được hoàn tất trong vòng 12 tháng kể từ ngày ban hành văn bản.

    Khi nào thì Vingroup lập xong hồ sơ đề xuất dự án xây metro đi Cần Giờ?

    Khi nào thì Vingroup lập xong hồ sơ đề xuất dự án xây metro đi Cần Giờ? (Hình từ Internet)

    Thông tin chi tiết về dự án xây metro đi Cần Giờ

    Theo phương án đề xuất của Tập đoàn Vingroup, tuyến metro kết nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ có điểm khởi đầu từ đường Nguyễn Văn Linh Quận 7 (đoạn giữa nút giao với đường Nguyễn Thị Thập và đường Lý Phục Man).

    Tuyến đi theo dải phân cách giữa đường Nguyễn Văn Linh, sau đó rẽ trái tại nút giao đường Nguyễn Lương Bằng và tiếp tục đi giữa dải phân cách các trục đường Nguyễn Lương Bằng, đường 15B, đường D1, vượt cầu Rạch Đĩa sang khu tái định cư Hồng Lĩnh (huyện Nhà Bè).

    Tuyến metro tiếp tục đi thẳng theo đường số 11, khu tái định cư Vạn Phát Hưng (huyện Nhà Bè), vượt sông Soài Rạp, sau đó đi song song với tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành. Đến khu vực đường Rừng Sác, tuyến rẽ phải, tiếp tục bám theo đường Rừng Sác đến điểm cuối tuyến.

    Tuyến metro Cần Giờ có tổng chiều dài khoảng 48,5 km, toàn bộ được thiết kế đi trên cao. Tuyến bao gồm 2 nhà ga (ga đầu là ga Tân Phú, ga cuối là ga Cần Giờ), cùng với 2 depot. Trong đó, một depot dự kiến đặt tại khu đất rộng 39 ha tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ; depot còn lại đặt tại khu đất 20 ha thuộc phường Bình Thuận, quận 7.

    Dự án được thiết kế theo loại hình đường đôi, khổ đường ray tiêu chuẩn 1.435 mm, tốc độ khai thác tối đa 250 km/giờ. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 102.370 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,09 tỷ USD.

    Phương tiện đường sắt đô thị được quy định như thế nào?

    Theo Điều 19 Quyết định 97/2024/QĐ-UBND quy định về phương tiện đường sắt đô thị.

    Điều 19. Phương tiện đường sắt đô thị
    1. Phương tiện đường sắt đô thị phải đảm bảo:
    a) Các điều kiện tham gia giao thông, đăng kiểm, đăng ký trước khi phương tiện đường sắt đô thị được đưa vào vận hành, khai thác trên tuyến;
    b) Các quy định về thông tin, chỉ dẫn, trang thiết bị phục vụ khách hàng, thiết bị an toàn trên phương tiện đường sắt đô thị trong quá trình vận hành, khai thác trên tuyến.
    2. Hệ thống toa xe, thiết bị của phương tiện đường sắt đô thị phải được thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng tại đề-pô nhằm đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả.
    3. Đặc điểm phương tiện đường sắt đô thị đảm bảo phù hợp với công tác vận hành và khả năng nhận diện của hành khách. Màu sơn bên ngoài phương tiện theo quy định của cấp có thẩm quyền. Bên trong phương tiện thể hiện các thông tin cấm (như cấm hút thuốc, cấm đem các chất cấm hoặc dễ cháy, nổ...); màn hình thể hiện thông tin trên tàu; quảng cáo theo quy định của pháp luật.
    4. Phương tiện đường sắt đô thị phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai theo quy định.

    Như vậy, quy định của pháp luật về phương tiện đường sắt đô thị cụ thể như sau:

    - Phương tiện đường sắt đô thị đảm bảo: Các điều kiện tham gia giao thông trước khi vận hành, Các quy định về thông tin, chỉ dẫn, trang thiết bị.

    - Hệ thống toa xe, thiết bị phải được thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng tại đề-pô

    - Đặc điểm đảm bảo phù hợp với công tác vận hành và khả năng nhận diện

    - Có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai.

    Nguyễn Thị Thương Huyền
    Từ khóa
    Metro đi Cần Giờ Dự án xây metro đi Cần Giờ Hồ sơ đề xuất dự án xây metro đi Cần Giờ Tuyến metro Cần Giờ Metro Cần Giờ Đường sắt đô thị
    85