Dự án cầu Mễ Sở đã khởi công chưa?
Nội dung chính
Dự án Cầu Mễ Sở đã khởi công chưa?
Cầu Mễ Sở là một trong những công trình nằm trong hạng mục trọng điểm thuộc tuyến đường Vành đai 4. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 4.881 tỷ đồng.
Dự án cầu Mễ Sở có chiều dài khoảng 13,8km, rộng 24,5m bao gồm 4 làn xe cơ giới và mỗi bên bố trí một làn đường phục vụ xe máy, xe thô sơ.
Cầu Mễ Sở có điểm đầu nằm trên đường Vành đai 4, huyện Thường Tín, Hà Nội và điểm cuối kết nối với cao tốc Hà Nội Hải Phòng tại địa phận tỉnh Hưng Yên.
Tính đến thời điểm tháng 6/2025, cầu Mễ Sở hiện vẫn chưa được khởi công. Được biết, theo kế hoạch ban đầu dự án đã lên kế hoạch thi công vào dịp 10/10/2024.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho việc khởi công vẫn đang được triển khai, khiến kế hoạch xây dựng phải điều chỉnh. Thay vì khởi công vào cuối năm 2024 như dự kiến, cầu Mễ Sở hiện được lên kế hoạch bắt đầu thi công trong năm 2025 và dự kiến hoàn thành vào năm 2027.
Đặc biệt là dự án sẽ được khởi công đồng thời với cầu Hồng Hà, cũng là một trong những công trình nằm trên tuyến Vành đai 4.
Như vậy, tính đến thời điểm tháng 6/2025, dự án cầu Mễ Sở hiện vẫn chưa được khởi công. Tuy nhiên, với công tác chuẩn bị đang được đẩy mạnh dự án sẽ nhanh chóng được khởi công trong năm 2025 và đưa vào khai thác vào năm 2027.
Dự án cầu Mễ Sở đã khởi công chưa? (Hình từ Internet)
Công trình giao thông bao gồm những công trình nào?
Căn cứ theo Mục 4 tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về công trình giao thông bao gồm những công trình như sau:
(1) Công trình đường bộ: Đường ô tô cao tốc; đường ô tô; đường trong đô thị; đường nông thôn.
(2) Bến phà, bến xe; cơ sở đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ; trạm thu phí; trạm dừng nghỉ.
(3) Công trình đường sắt:
- Đường sắt cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị (đường sắt trên cao, đường tàu điện ngầm/Metro); đường sắt quốc gia; đường sắt chuyên dụng và đường sắt địa phương;
- Ga hành khách, ga hàng hóa; ga deport; các kết cấu rào chắn, biển báo phục vụ giao thông.
- Chú thích: Công trình sản xuất, đóng mới phương tiện đường sắt (đầu máy, toa tàu) thuộc loại công trình phục vụ sản xuất công nghiệp - Mục II Phụ lục này.
(4) Công trình cầu: Cầu đường bộ, cầu bộ hành (không bao gồm cầu treo dân sinh); cầu đường sắt; cầu phao; cầu treo dân sinh.
(5) Công trình hầm: Hầm tàu điện ngầm, hầm đường ô tô, hầm đường sắt, hầm cho người đi bộ.
(6) Công trình đường thủy nội địa, hàng hải:
- Công trình đường thủy nội địa: Cảng, bến thủy nội địa; bến phà, âu tàu; công trình sửa chữa phương tiện thủy nội địa (bến, ụ, triền, đà, sàn nâng,...); luồng đường thủy (trên sông, hồ, vịnh và đường ra đảo, trên kênh đào); các khu vực neo đậu; công trình chỉnh trị (hướng dòng/bảo vệ bờ).
- Công trình hàng hải: Bến, cảng biển; bến phà; âu tàu; công trình sửa chữa tàu biển (bến, ụ, triền, đà, sàn nâng,...); luồng hàng hải; các khu vực, các công trình neo đậu; công trình chỉnh trị (đê chắn sóng/chắn cát, kè hướng dòng/bảo vệ bờ).
- Các công trình đường thủy nội địa, hàng hải khác: Hệ thống phao báo hiệu hàng hải trên sông, trên biển; đèn biển; đăng tiêu; công trình chỉnh trị, đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng, kè bảo vệ bờ; hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS) và các công trình hàng hải khác.
- Công trình hàng không: Khu bay (bao gồm cả các công trình đảm bảo bay); nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, khu kỹ thuật máy bay (hangar), kho hàng hóa,...
(8) Tuyến cáp treo và nhà ga để vận chuyển người và hàng hóa.
(9) Cảng cạn.
(10) Các công trình khác như: trạm cân, cống, bể, hào, hầm, tuy nen kỹ thuật và kết cấu khác phục vụ giao thông vận tải.
Quy định pháp luật về hành lang an toàn cầu Mễ Sở ra sao?
Căn cứ tại Điều 15 Luật Đường bộ 2024 quy định như sau:
(1) Chiều rộng hành lang an toàn đường bộ được xác định theo nguyên tắc sau đây:
- Đối với đường ngoài đô thị, xác định từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ, theo quy mô, cấp kỹ thuật của đường; trường hợp đường hiện hữu chưa xác định cấp kỹ thuật, thì căn cứ chiều rộng mặt đường và tiêu chuẩn thiết kế đường để xác định cấp kỹ thuật tương ứng làm căn cứ xác định chiều rộng hành lang an toàn đường bộ;
- Đối với đường đô thị, xác định từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường đô thị đến chỉ giới đường đỏ nhưng không lớn hơn chiều rộng hành lang của đường ngoài đô thị cùng cấp;
- Đối với cầu, bến phà, cầu phao đường bộ, xác định theo chiều dọc, chiều ngang công trình và phụ thuộc cấp sông, quy mô công trình; đối với cầu cạn, cầu vượt trên cao, xác định từ mép ngoài của phần đất để bảo vệ, bảo trì cầu;
- Đối với hầm đường bộ, xác định từ mép ngoài của phần đất bảo vệ công trình hầm ra xung quanh;
- Đường bộ có kè, tường chắn bảo vệ nằm trong phạm vi đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, xác định từ mép ngoài của kè, tường chắn bảo vệ trở ra nhưng không lớn hơn chiều rộng hành lang an toàn đường bộ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 15 Luật Đường bộ 2024;
- Đối với đường thôn, đường ngõ, ngách, kiệt, hẻm trong đô thị và đường khác không cho xe ô tô di chuyển thì không bắt buộc bố trí hành lang an toàn đường bộ.
(2) Đối với đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với các công trình khác thì được phân định theo nguyên tắc sau đây:
- Đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang an toàn đường sắt, việc phân định ranh giới quản lý theo nguyên tắc ưu tiên bố trí hành lang an toàn cho đường sắt. Việc quản lý, sử dụng hành lang an toàn đường sắt không được làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình đường bộ và an toàn giao thông;
- Đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang bảo vệ đường thủy nội địa, việc quản lý, sử dụng hành lang bảo vệ đường thủy nội địa không được ảnh hưởng đến chất lượng công trình và an toàn giao thông;
- Đường bộ đi chung với đê hoặc có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang bảo vệ đê, việc phân định ranh giới quản lý theo nguyên tắc ưu tiên bố trí hành lang bảo vệ đê; trường hợp hành lang an toàn đường bộ lớn hơn hành lang bảo vệ đê thì tính theo hành lang an toàn đường bộ;
- Tại các đoạn đường chồng lấn, giao nhau, hành lang an toàn đường bộ được xác định theo đường có cấp kỹ thuật cao hơn; các đường liền kề nhau thì xác định hành lang an toàn đường bộ theo đường ngoài cùng.
(3) Việc xác định và quản lý mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ được quy định như sau:
- Mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ được xác định theo quy mô, cấp kỹ thuật, hướng tuyến, phạm vi xây dựng công trình đường bộ;
- Chủ đầu tư xây dựng công trình đường bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện cắm mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ; bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ;
- Cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ có trách nhiệm công bố công khai mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ; điều chỉnh, bổ sung mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ trong thời gian quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì công trình đường bộ;
- Cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(4) Chính phủ quy định chi tiết Điều 15 Luật Đường bộ 2024