Định nghĩa chứng chỉ tiền gửi ra sao? Mệnh giá của chứng chỉ tiền gửi là bao nhiêu theo Thông tư 02/2025
Mua bán nhà đất tại Đà Nẵng
Nội dung chính
Định nghĩa chứng chỉ tiền gửi ra sao? Mệnh giá của chứng chỉ tiền gửi là bao nhiêu theo Thông tư 02/2025?
Ngày 29/04/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 02/2025/TT-NHNN quy định việc phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư 02/2025/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 16/6/2025. Thông tư này bãi bỏ Thông tư 01/2021/TT-NHNN, Khoản 2 Điều 6 Thông tư 12/2021/TT-NHNN, đối với chứng chỉ tiền gửi đã phát hành còn số dư đến ngày 16/6/2025, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và người mua chứng chỉ tiền gửi tiếp tục thực hiện theo các nội dung đã thỏa thuận cho đến khi thanh toán hết chứng chỉ tiền gửi.
Theo Điều 4 Thông tư 02/2025/TT-NHNN, định nghĩa chứng chỉ tiền gửi là một hình thức tiền gửi dưới dạng giấy tờ có giá và là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành đối với người mua chứng chỉ tiền gửi trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.
Theo Điều 8 Thông tư 02/2025/TT-NHNN quy định về mệnh giá của chứng chỉ tiền gửi
Điều 8. Mệnh giá của chứng chỉ tiền gửi
Mệnh giá của chứng chỉ tiền gửi là 100.000 (một trăm nghìn) đồng Việt Nam hoặc bội số của 100.000 (một trăm nghìn) đồng Việt Nam. Mệnh giá của chứng chỉ tiền gửi cụ thể do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành quyết định hoặc theo thỏa thuận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với người mua.
Như vậy, mệnh giá của chứng chỉ tiền gửi là 100.000 (một trăm nghìn) đồng Việt Nam hoặc bội số của 100.000 (một trăm nghìn) đồng Việt Nam. Mệnh giá của chứng chỉ tiền gửi cụ thể do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành quyết định hoặc theo thỏa thuận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với người mua.
Định nghĩa chứng chỉ tiền gửi ra sao? Mệnh giá của chứng chỉ tiền gửi là bao nhiêu theo Thông tư 02/2025 (Hình từ internet)
Nội dung của chứng chỉ tiền gửi gồm những nội dung gì theo Thông tư 02/2025?
Theo Điều 10 Thông tư 02/2025/TT-NHNN quy định về nội dung của chứng chỉ tiền gửi
Điều 10. Nội dung của chứng chỉ tiền gửi
1. Chứng chỉ tiền gửi dưới hình thức chứng chỉ hoặc chứng nhận quyền sở hữu chứng chỉ tiền gửi trên môi trường điện tử phải bao gồm các nội dung sau:
a) Tên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành;
b) Tên gọi của chứng chỉ tiền gửi;
c) Ký hiệu hoặc số sê-ri phát hành;
d) Mệnh giá, thời hạn, ngày phát hành, ngày đến hạn thanh toán;
đ) Lãi suất, phương thức trả lãi, thời điểm trả lãi;
e) Địa điểm giao dịch thanh toán gốc, lãi hoặc tài khoản thanh toán của người mua chứng chỉ tiền gửi nhận thanh toán gốc, lãi;
g) Họ tên của người mua, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực (nếu người mua là cá nhân); tên tổ chức mua, số giấy phép thành lập hoặc mã số doanh nghiệp (nếu người mua là tổ chức); địa chỉ của người mua;
h) Biện pháp để người mua tra cứu thông tin của chứng chỉ tiền gửi;
i) Chữ ký của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành;
k) Riêng đối với chứng chỉ tiền gửi do công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành phát hành phải ghi rõ người mua chỉ được chuyển quyền sở hữu cho tổ chức.
2. Các nội dung khác của chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành quy định nhưng không được trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, nội dung của chứng chỉ tiền gửi gồm những nội dung đã được quy định trong điều luật.
Có dùng chứng chỉ tiền gửi để đặt cọc mua đất tại Đà Nẵng được không?
Theo Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-NHNN quy định về đối tượng áp dụng
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đối tượng phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu (sau đây gọi là giấy tờ có giá) theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.
2. Đối tượng mua giấy tờ có giá theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc phát hành giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, chứng chỉ tiền gửi được gọi là giấy tờ có giá.
Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản
Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Tuy nhiên theo khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đặt cọc
Điều 328. Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
[...]
Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác gọi chung là tài sản đặt cọc.
Từ đó, tài sản được dùng để đặt cọc chỉ bao gồm tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác, không bao gồm giấy tờ có giá.
Như vậy, không thể dùng chứng chỉ tiền gửi để đặt cọc mua đất tại Đà Nẵng.