Danh sách các tội đề xuất bỏ án tử hình theo Bộ Công An? Quy định về án tử hình theo Bộ luật Hình sự 2015?
Nội dung chính
Danh sách các tội đề xuất bỏ án tử hình theo Bộ Công An?
Mới đây, Bộ Công An vừa đề xuất dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2025 với nhiều đề xuất quan trọng nhằm cập nhật và hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự. Trong đó điểm nổi bât nhất liên quan đến đề xuất bỏ án tử hình đối với 8 tội danh và thay vào đó là hình phạt "chung thân không xét giảm án".
Cụ thể, danh sách các tội đề xuất bỏ án tử hình theo Bộ Công An bao gồm:
- Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109)
- Tội gián điệp (Điều 110)
- Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114)
- Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194)
- Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250)
- Tội tham ô tài sản (Điều 353)
- Tội nhận hối lộ (Điều 354)
- Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421)
So sánh với Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 thì dự thảo Bộ luật Hình sự mới nhất đã có những thay đổi đáng kể. Những đề xuất này phản ánh nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, đảm bảo tính nghiêm minh nhưng cũng nhân đạo, phù hợp với thực tiễn và xu hướng quốc tế.
Quy định về án tử hình theo Bộ luật Hình sự 2015?
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về án tử hình đối với người có hành vi vi phạm pháp luật như sau:
Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
- Người đủ 75 tuổi trở lên;
- Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Danh sách các tội đề xuất bỏ án tử hình theo Bộ Công An? Quy định về án tử hình theo Bộ luật Hình sự 2015? (hình từ internet)
Các hình phạt mà người bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị áp dụng là gì?
Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về hình phạt đối với người bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
Các hình phạt đối với người phạm tội
1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Cải tạo không giam giữ;
d) Trục xuất;
đ) Tù có thời hạn;
e) Tù chung thân;
g) Tử hình.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
b) Cấm cư trú;
c) Quản chế;
d) Tước một số quyền công dân;
đ) Tịch thu tài sản;
e) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;
g) Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
3. Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Như vậy, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ phải chịu hình phatij chính và hình phạt bổ sung tùy theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm. Thêm vào đó, đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.